Phát hiện dòng máu loài người khác trong 6.169 người hiện đại

  •  
  • 797

Nghiên cứu quốc tế dẫn đầu bởi tiến sĩ Kaustubh Adhikari từ University College London (UCL, thuộc Đại học London) và Đại học Open (Anh). 6.169 tình nguyện viên được tuyển chọn từ 5 quốc gia Mỹ La Tinh là Brazil, Chile, Columbia, Mexico và Peru.

Loài người cổ Denisovans
Loài người cổ Denisovans - (Ảnh: Maayan Harel).

Theo Sci-News, họ đã xác định dược 32 vùng gene ảnh hưởng đến các đặc điểm trên khuôn mặt như hình dạng mũi, môi, hàm và lông mày, 9 trong số đó là những khám phá hoàn toàn mới. Đặc biệt nhất là một gene dường như không hề thuộc về con người hiện đại, tức loài Homo sapiens chúng ta.

Bài công bố trên Science Advances cho biết gene lạ mang tên TBX15, góp phần định hình đôi môi của những người mang nó. Nói cách khác, những người này sở hữu đôi môi có những nét Denisovans. Kết quả được xác nhận qua sự đối chiếu thông tin di truyền và định lượng các chỉ số trên khuôn mặt bằng 59 phép đo.

Ngoài ra, gene này còn giúp người mang nó phân bổ chất béo trong cơ thể nhiều hơn để đối chọi khí hậu có mùa đông lạnh giá, phù hợp cho những người Denisovans cư ngụ ở vùng Trung Á. Khi Homo sapiens gặp gỡ Denisovans, những cuộc hôn phối khác loài đã giúp họ dù tuyệt chủng nhưng để lại dòng máu trong nhiều người hiện đại.

Denisovans là một loài người cổ đã tuyệt chủng. Như nhiều nghiên cứu cho thấy, Homo sapiens chúng ta chỉ là một loài trong chi Người rộng lớn, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng là loài duy nhất chưa bị tuyệt chủng nhờ khả năng thích nghi tốt khi môi trường thay đổi. Các loài trong chi người từng có các cuộc hôn phối dị chủng, trong đó tổ tiên chúng ta lai nhiều nhất với người Neanderthals và Denisovans.

Cập nhật: 18/02/2021 Theo NLĐ
  • 797