Chuyên gia hướng dẫn cách “hô biến” đậu tương thành siêu phân bón hữu cơ

Chắc hẳn các “nông dân nhà phố” sẽ vui mừng khi biết rằng, chỉ từ hạt đậu tương có thể tạo ra một loại “siêu phân bón” hữu cơ để giải bài toán hóc búa bấy lâu: “Làm sao để cây rau,cây hoa phát triển xanh tốt mà không phải dùng đến phân hóa học tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe?”.

Đậu tương là một loại hạt đã quá đỗi quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Với giá trị dinh dưỡng rất cao: 10-25% lipid, 10-15% glucid, nhiều muối khoáng, vitamin và đặc biệt có đến 40% thành phần là protein, đậu tương từ lâu đã được đánh giá là một loại thực phẩm bổ dưỡng và có khả năng thay thế thịt, cá trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Ngoài vai trò là một món ăn, chắc các cư dân thành thị cũng khó có thể ngờ rằng, từ loại hạt này chúng ta còn tạo ra được một trong những loại phân bón hữu cơ cao cấp nhất cho cây trồng.

Theo nhận định của thạc sĩ nông nghiệp Lê Thị Thu Hằng: “Khó có một loại phân bón nào vừa có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn với sức khỏe, lại có thể cung cấp nguồn dinh dưỡng lớn cho cây trồng không thua kém là bao các loại phân hóa học như phân đậu tương".


Thạc sĩ nông nghiệp Lê Thị Thu Hằng.

Cụ thể, chế phẩm phân đậu tương sẽ cung cấp đầy đủ nguồn đa lượng, trung lượng và vi lượng cùng các axit amin đặc biệt là axit humic giúp cây dễ hấp thu dinh dưỡng và sử dụng phân một cách triệt để (Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học: khi bón phân bón thông thường cây chỉ hấp thu tối đa 50% dinh dưỡng, 50% còn lại bị rửa trôi, côn trùng hấp thu...). Bên cạnh đó, phân đậu tương có lượng đạm thực vật chiếm 40% nên nó chỉ thua hàm lượng đạm trong phân ure ( 46% đạm) vài phần trăm.

Thông thường, sẽ có hai cách để ủ đậu tương thành phân bón là: “dạng bột” và “dạng nước”. Tuy nhiên, vì phân đậu tương ở dạng nước bốc mùi rất khó chịu, gây bất tiện trong quá trình bảo quản cũng như sử dụng, nên chúng tôi chỉ xin giới thiệu đến Quý độc giả chế phẩm đậu tương dạng bột – rất phù hợp với các hộ gia đình ở thành phố, thông qua những chia sẻ của chuyên gia Thu Hằng.

Cách làm phân đậu tương dạng bột

Chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu chính sau:

  • 100kg đậu tương (đã xay nhỏ)
  • 50kg lân nguyên chất
  • 2kg chế phẩm nấm đối kháng Tricoderma

Ngoài ra, các bạn có thể bổ sung thêm phân dơi, chế phẩm “EM” để tăng hiệu suất ủ phân, hàm lượng dinh dưỡng cũng như giảm mùi hôi do quá trình ủ phân gây ra.

Sau khi các nguyên liệu đã sẵn sàng, chúng ta chỉ việc trộn đều chúng lại với nhau rồi cho vào một bao tải (đã lót sẵn một lớp nilon bên trong để giữ nhiệt), cột kín miệng bao và ủ trong vòng 3 tháng là có thể sử dụng.


Chế phẩm đậu tương sau khi ủ có thể chia thành từng túi nhỏ để tiện sử dụng.

Chị Thu Hằng cũng cho biết thêm: “Với các gia đình có nhu cầu sử dụng thấp, mọi người có thể giảm lượng nguyên liệu xuống nhưng cần đảm bảo tỷ lệ giữa các thành phần!”.

Cách dùng phân đậu tương

Phân đậu tương dạng bột có thể dùng để bón cho cả cây cảnh và cây rau. Khi bón chúng ta thực hiện theo cách dưới đây:

  • Với các luống rau, rắc chế phẩm dạng bột trực tiếp lên đất với liều lượng 1kg chế phẩm cho 1,5 đến 2 mét vuông rau. Vì phân đậu tương có bốc mùi khó chịu nên chúng ta cần ngưng bón khoảng 3 ngày trước khi thu hoạch rau.

  • Với cây cảnh, xới đất xung quanh gốc cây rồi rải trực tiếp chế phẩm dạng bột quanh gốc vùng rễ cây. Cây to khỏe bón 0,3-0,5kg/ cây, cây bé bón 0,1-0,3 kg/cây.

Lưu ý: Sau khi bón phân nên phủ quanh gốc cây lớp xơ dừa hoặc rơm rạ mục để giữ ẩm cho cây cũng như tránh ánh sáng mặt trời làm phân bón quanh gốc cây biến chất, đặc biệt nó còn giúp khi tưới nước không bị xối thẳng vào đất và hạn chế nấm bệnh cho cây. Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, còn bón chế phẩm đều đặn 1-2 lần/ tháng.

Công dụng của phân đậu tương

Theo thạc sĩ Hằng, việc bón phân đậu tương cho cây trồng sẽ đem lại những lợi ích sau:

  • Cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng cho cây trồng: Đa - Trung- Vi lượng, các Vitamin, muối khoáng và các axit amin cho cây trồng.
  • Giúp cứng cây, bật nhiều mầm lộc và mầm nụ, hoa to, đậm màu và bền hoa.
  • Tăng mật độ vi sinh vật có ích trong đất, làm cho đất tơi xốp, dinh dưỡng được giữ, hấp thu và sử dụng triệt để.
  • Phòng ngừa, tăng sức đề kháng và hạn chế nấm bệnh cho cây trồng.
  • Hạn chế lá vàng, rụng lá trên cây, giúp bộ dễ phát triển mạnh.
  • Phân hủy các chất khó tan và độc tố trong đất.
Cập nhật: 27/08/2018 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video