Có gì bên dưới lớp cát sa mạc?

Nhắc đến sa mạc, chúng ta thường nghĩ ngay đến những cồn cát trắng trải dài bất tận. Bên dưới lớp cát đó là những gì?

Bí ẩn bên dưới cát sa mạc

Tất nhiên, câu trả lời cho câu hỏi trên sẽ thay đổi tùy theo vị trí của bạn. Cần nhớ rằng, cát trên sa mạc có thể luôn di chuyển một khối lượng rất lớn do ảnh hưởng từ gió.


Sa mạc thường được coi là một cảnh quan cằn cỗi và trống rỗng. (Ảnh: Getty).

Trên thực tế, có nhiều loại sa mạc, hoang mạc khác nhau. Chúng phụ thuộc vào địa hình vốn có của khu vực.

Đó có thể từng là các dãy núi, là đồng bằng, một khu rừng, hay thậm chí là đại dương bị che lấp ngay bên dưới lớp cát. Cũng không loại trừ đó là những hố sụt, luôn sẵn sàng chực chờ để "nuốt chửng" con mồi bên trên.

Theo National Geographic, lớp cát gần bề mặt của sa mạc được cấu tạo từ những hạt bụi thô và cát mịn. Chúng có thể gắn chặt với nhau để tạo thành một rãnh sâu hình gợn sóng dưới tác động của gió sa mạc.

Bên dưới lớp cát mịn là rất nhiều viên đá có kích thước như hòn sỏi. Chúng chủ yếu là đá trên đất liền, nhưng lâu ngày bị mài mòn do quá trình phong hóa của sông và những yếu tố khác.


Bên dưới lớp cát sa mạc là cả một thế giới bí ẩn. (Ảnh: iStock).

Sa mạc cũng có thể hình thành trên biển. Lúc này, biển sẽ là tác nhân đóng góp cho quá trình nghiền nát các tảng đá ven biển, hoặc dưới đáy biển. Rốt cuộc, chúng sẽ trở thành những hạt bụi, và đóng góp một phần cho sa mạc rộng lớn.

Dẫu vậy, quá trình này có thể kéo dài hàng ngàn hoặc hàng triệu năm.

Nếu tiếp tục đào sâu xuống, chúng ta có thể tìm thấy cát đã được nén chặt và biến đổi dưới áp lực để tạo thành một lớp sa thạch trầm tích, bao phủ lên nền đá của khu vực.

Tại đây, bí mật về những gì nằm bên dưới lớp sa mạc cát sẽ được hé lộ. Chúng thật ra cảnh quan vốn có của khu vực, trước khi bị một khối lượng cát khổng lồ bao phủ.

Vào năm 2010, các nhà khoa học từng tìm thấy bằng chứng về một hồ nước lớn có từ thời tiền sử bên dưới lớp cát của sa mạc Sahara. Nó được cho là đã hình thành từ khoảng 250.000 năm trước, khi sông Nile tràn vào khu vực qua một con kênh nhỏ.

Sự sống trên sa mạc


Con người đã và đang sinh sống tại các sa mạc từ hàng thiên niên kỷ. (Ảnh: Getty).

Sa mạc thường không có sông, suối. Bởi thế, sự sống tại đây là vô cùng hiếm hoi vì có rất ít loại động vật và thực vật có thể thích nghi với môi trường khắc nghiệt, khô cằn.

Mặc dù vậy, con người đã và đang sinh sống tại sa mạc từ hàng thiên niên kỷ. Nhiều bộ tộc và nền văn hóa khác nhau đã phát triển đời sống du mục như những người chăn nuôi cừu, dê, lạc đà, bò Tây Tạng.

Họ thường xuyên di chuyển qua một khu vực rộng lớn của sa mạc với đàn gia súc. Đích đến là phần rìa của sa mạc với đồng cỏ và đất để chăn nuôi.

Sa mạc cũng là nơi có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Thí dụ như nhiều sa mạc có cát màu đỏ là do chúng chứa các khoáng laterit. Hay như hoang mạc Great Basin ở Mỹ đã nổi tiếng là nguồn khai thác evaporit trong suốt nhiều năm.

Một số sa mạc giàu khoáng sản muối như sa mạc Atacama ở Chile là nơi khai thác natri nitrat - thành phần được dùng làm chất nổ và phân bón từ khoảng năm 1850.

Sa mạc cũng được xem là những nguồn năng lượng mặt trời quan trọng, do ít có mây che phủ. Bởi vậy, sa mạc đón nhận nhiều ánh nắng và có nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng các nhà máy năng lượng.

Giáo sư David Faiman đến từ Đại học Ben-Gurion từng chỉ ra rằng với công nghệ hiện tại, chúng ta có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện cho thế giới chỉ với 10% diện tích của sa mạc Sahara.

Cập nhật: 24/08/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video