Cơ hội chiêm ngưỡng siêu trăng lớn nhất trong năm vào ngày 13/7

Vào 16h00 ngày mai 13/7, Mặt trăng sẽ ở vào điểm gần Trái đất nhất trong năm.

Vào lúc 16 giờ 00 ngày mai 13/7 (giờ Việt Nam), Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí gần Trái đất nhất trong cả hành trình của nó quay quanh Trái đất trong năm 2022. Khi đó, khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng là 357,264 km.


Hình ảnh một siêu trăng vào lúc mặt trời lặn. (ảnh: Getty).

38 phút sau đó sẽ là thời điểm trăng tròn hoàn toàn. Về lý thuyết, trăng tròn hoàn toàn chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, nhưng bằng các phương pháp quan sát thông thường thì trước và sau thời điểm đó cũng được coi là trăng tròn hoàn toàn bởi vì phần bóng đen do bị che khuất rất hẹp và thay đổi rất chậm đến mức mắt thường khó nhận ra. Vì thế, sau khi mặt trời lặn vào chiều tối ngày 13/7, nếu bạn nhìn lên Mặt trăng thì hãy nhớ rằng đấy không phải trăng tròn hoàn toàn nữa.

Cách đây hơn mười năm, chưa ai quan tâm đến khái niệm "siêu trăng" là gì. Vậy từ đâu mà "siêu trăng" lại trở nên phổ biến và được nhiều người chú ý như ngày nay?

Thuật ngữ "siêu trăng" do nhà chiêm tinh học Richard Nolle sử dụng đầu tiên vào năm 1979 trong một bài viết trên tạp chí chiêm tinh Dell Horoscope của Mỹ. Khi đó, ông giải thích rằng siêu trăng là thời điểm trăng tròn xuất hiện ở khoảng cách tính từ Mặt trăng đến Trái đất bằng hoặc hơn 90% khoảng cách từ viễn điểm đến cận điểm của nó trên quỹ đạo quay quanh Trái đất.


Siêu trăng dâu hiện ra phía sau tên lửa Artemis 1 vào ngày 14/6/2022 (ảnh: NASA/Ben Smegelsky).

Điều thú vị nằm ở chỗ vào thời gian Nolle đưa ra khái niệm này thì không mấy ai chú ý, nhưng bỗng nhiên vào ngày 11/3/2011, khi trận động đất Tohoku mạnh 9,1 độ Richter xảy ra ngoài khơi vùng biển đông bắc của đảo Honshu, Nhật, thì "siêu trăng" trở nên nổi tiếng.

Tám ngày sau trận động đất là ngày trăng tròn trùng với cận điểm của nó trên quỹ đạo quay quanh Trái đất và được nhiều giả thuyết cho rằng nó chính là nguyên nhân của trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở Nhật. Một trong những người đầu tiên khẳng định điều này chính là Nolle. Ông cho rằng các lần siêu trăng có thể gây ra "ứng suất địa vật lý".

Và thế là bỗng nhiên thuật ngữ "siêu trăng" xuất hiện trên những trang tin lớn.

Siêu trăng khác gì so với trăng tròn bình thường?


Một chiếc máy bay đang bay qua Mặt trăng vào ngày 31/7/2015. (ảnh: NASA/Joel Kowsky).

Hai điều được nhắc đến nhiều nhất khi nói về siêu trăng là nó to hơn 14% và sáng hơn 30%. Nhưng nói cho chính xác thì hai con số 14% và 30% đó là so với trăng tròn ở điểm xa nhất chứ không phải lúc nó ở điểm gần nhất trên quỹ đạo. Và như vậy thì siêu trăng cũng chỉ sáng hơn trăng tròn bình thường 0,28 độ sáng biểu kiến. Chính vì thế, bạn đừng quá thất vọng nếu quan sát thấy siêu trăng bằng mắt thường cũng không sáng hơn quá nhiều so với những lần trăng tròn khác.

Còn về hình ảnh to hơn 14%, mặc dù siêu trăng xuất hiện vào ngày thứ Tư tới đây là siêu trăng to nhất trong năm, nhưng để nhận thấy sự khác biệt rõ ràng thì bạn nên quan sát Mặt trăng vào lúc trăng mọc hoặc lặn, còn vào lúc trăng trên đỉnh đầu thì nó không khác là mấy so với trăng tròn thông thường.

Và bởi vì siêu trăng xuất hiện vào ngày trăng tròn ở khoảng cách bằng hoặc hơn 90% khoảng cách viễn điểm và cận điểm của nó nên mỗi năm có thể có hơn một lần siêu trăng. Có năm có 3 lần siêu trăng, có năm 4 lần (như năm nay) và thậm chí có thể là 5 lần (năm 2020 và 2033). Vì thế, nếu siêu trăng vào thứ Tư này có bị mây che khuất thì bạn cũng đừng buồn, bởi sẽ có một siêu trăng khác vào ngày 11/8/2022 để bạn chiêm ngưỡng.

Cập nhật: 12/07/2022 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video