Coi chừng chảy máu đường tiêu hóa

Chảy máu đường tiêu hóa là một cấp cứu thường gặp ở các bệnh viện, có tỷ lệ tử vong khá cao (10-15%) nên rất cần được quan tâm nghiên cứu.

Chảy máu đường tiêu hóa có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính, nôn ra máu, đại tiện ra máu hoặc mạn tính, ẩn dưới dạng thiếu máu nhược sắc kéo dài. Bệnh có thể ở mức độ nặng, vừa hoặc nhẹ, đang chảy máu hay đã ngừng, ngừng hẳn hay ngừng tạm thời rồi chảy máu lại. Nó có thể xuất phát từ những tổn thương ở đường tiêu hóa trên hay đường tiêu hóa dưới. Bài viết sau xin đề cập chảy máu cấp tính đường tiêu hóa dưới.

Nguyên nhân thường gặp

Khối u đại tràng gây chảy máu đường tiêu hóa dưới. (Ảnh: TTO)

Nguyên nhân hay gặp nhất là chảy máu do trĩ (hemorrhoids) và các bệnh vùng trực tràng hậu môn, nhưng thường chỉ gây ra chảy máu ít một, ra lẫn phân.

Các khối u đại tràng (neoplasmo): các pôlýp lành tính và ung thư trực – đại tràng có thể gây ra chảy máu ẩn, mạn tính hoặc từng đợt chảy máu lớn qua hậu môn. U trực – đại tràng là một u phổ biến trên thế giới và Việt Nam cần mổ càng sớm càng tốt; các viêm đại tràng do nhiễm khuẩn (shigella, salmonella, campylobacter chủng gây bệnh của E.Coli...; giãn phình mạch máu ở đại tràng hay tiểu tràng; viêm trực – đại tràng chảy máu; viêm đại tràng thiếu máu cục bộ (ischormic colitis): bệnh nặng chảy máu xuất hiện đột ngột, thường ở người lớn tuổi, có thể gây chảy máu nhưng ít khi khối lượng lớn; viêm đại tràng do thuốc.

Và các nguyên nhân khác ít gặp như: viêm đại tràng do phóng xạ (chảy máu có thể xảy ra hàng chục năm sau khi điều trị các u ác tính ở hố chậu, tuyến tiền liệt bằng phóng xạ), các dị dạng mạch máu hoặc u ở tiểu tràng, các thương tổn ở đường tiêu hóa trên.

Những xét nghiệm cần thiết

Nên nhớ là nếu chảy máu nặng, có thể gây sốc thì cần ưu tiên cấp cứu điều trị trước. Các bước chẩn đoán bao gồm hỏi bệnh, khám thực thể toàn thân, soi hậu môn, trực tràng, nội soi đại tràng sớm (urgent colonoscopy). Trước đây người ta e ngại soi đại tràng khi có chảy máu, nhưng hiện nay với những tiến bộ và kinh nghiệm đạt được trong khoa học nội soi, xu hướng là sử dụng rộng rãi nội soi đại tràng sớm trong chảy máu vì tỏ ra rất có ích trong việc phát hiện nguồn gốc chảy máu (70-85% các trường hợp) mà không có hoặc rất ít biến chứng.

Chỉ khi có lý do không làm được nội soi đại tràng, người ta mới sử dụng chụp Xquang đại tràng vì Xquang kém nhạy, bỏ sót nhiều thương tổn.

Nếu nội soi và Xquang đại tràng không tìm ra nguồn gốc chảy máu, thử hút dịch dạ dày bằng ống thông mũi - dạ dày, nếu có máu thì tiến hành nội soi dạ dày - tá tràng, có thể có loét tá tràng, giãn tĩnh mạch hay dị dạng mao mạch... chảy máu ở tá tràng.

Nếu cả nội soi đại tràng và nội soi dạ dày - tá tràng đều không tìm ra tổn thương chảy máu mà chảy máu vẫn tiếp diễn, ở các trung tâm trang bị hiện đại, người ta có thể kiểm tra tiếp bằng nội soi tiểu tràng hoặc chụp Xquang động mạch mạc treo, hoặc chụp lấp lánh sử dụng chất đồng vị phóng xạ technetium.

Điều trị như thế nào để hiệu quả?

Điều trị nội khoa: Đại đa số bệnh nhân chảy máu đường tiêu hóa dưới tự ngừng chảy máu với điều trị bảo tồn nội khoa. Trĩ: thường điều trị bảo tồn, các thuốc đạn đặt hậu môn Tây y và Đông y, ngâm nước ấm... thắt hoặc mổ sau nếu cần thiết. Viêm đại tràng nhiễm khuẩn chữa nhằm vào vi khuẩn gây bệnh bằng thuốc và kháng sinh thích hợp.

Viêm đại tràng do thuốc, do kháng sinh; ngừng ngay thuốc gây bệnh, chú ý aspirin và các thuốc chống viêm. Ngừng ngay kháng sinh gây bệnh. Nếu cần, truyền tiểu cầu. Viêm đại tràng xuất huyết: điều trị đặc hiệu (5ASA, corticosteroids, azathioprin...). Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: truyền máu, duy trì tốt trạng thái tim mạch.

Điều trị bằng nội soi: Trước đây nội soi đại tràng chỉ dùng để chẩn đoán, nay phục vụ cho việc điều trị những thương tổn chảy máu nặng như: túi thừa đang chảy máu, hoặc một mạch máu hay một giãn phình mạch máu đang chảy máu. Cầm máu nội soi bằng cách điều trị qua ống nội soi, thuốc cầm máu: dung dịch adrenalin 1:10.000, hoặc cồn tuyệt đối, nước muối... Cũng có thể sử dụng đốt điện, trang bị đốt bằng laser.

Điều trị bằng đường mạch: Tiêm thuốc co mạch như vasopressin qua động mạch mạc treo chọn lọc làm ngừng chảy máu, ở các túi thừa hay dị dạng mạch máu đang chảy máu nhưng dễ tái phát nên xu hướng thích phương pháp gây tắc qua động mạch chọn lọc, tạo ra cầm máu vững chắc hơn.

Điều trị ngoại khoa: Cuối cùng, nếu chảy máu lớn, các biện pháp điều trị bảo tồn thất bại, máu vẫn chảy nguy hiểm thì phải mổ. Nếu xác định được nơi chảy máu thì mổ hạn chế nơi chảy máu, nếu không xác định được nơi chảy máu thì buộc lòng phải mổ cắt đại tràng gần hoàn toàn có thể cầm được chảy máu nhưng tỷ lệ tử vong cao (15-20%) và hậu phẫu nặng nề với người lớn tuổi. 

GS.TS. Hà Văn Mạo

Theo Báo Sức khoẻ & đời sống, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video