Coi chừng trẻ bị tiểu đường

  •  
  • 761

Đột nhiên uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, sụt cân có thể là dấu hiệu cho biết trẻ đã bị bệnh tiểu đường. Ở miền Nam, trẻ thường mắc bệnh tiểu đường type 1 nhưng ở miền Bắc đã có vài ca tiểu đường type 2 - thể bệnh hay gặp ở người lớn béo phì.

Tuổi nào cũng có

Bệnh nhi Phan Thị Thanh Hải bị bệnh tiểu đường 11 năm
Bệnh nhi Phan Thị Thanh Hải bị bệnh tiểu đường 11 năm (Ảnh: L.TH.H)
Giữa tháng tư, tại khoa thận Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM, có ba bệnh nhi (BN) mắc bệnh tiểu đường type 1 đang điều trị. BN Phan Thị Thanh Hải (sinh 1992, Bình Dương) bị bệnh 11 năm, điều trị không đều nên đã ở giai đoạn có biến chứng. Người em nhỏ bé, ốm yếu như trẻ 7-8 tuổi. Cứ khoảng 10-15 phút, em lại kéo bô ngồi tiểu.

Em gái Thanh Hải là Phan Thị Thanh Hồng (1996) cũng bị bệnh tiểu đường đang điều trị tại nhà. Tại khoa còn hai BN mới phát bệnh, nhập viện điều trị đầu tháng tư. Phụ huynh của các BN này nói khi mới phát bệnh các bé đều đột nhiên ăn như bị “ma ám”, đòi uống nước liên tục và đi tiểu khoảng 15-20 lần/ngày.

Th.S - BS Nguyễn Thị Thúy An cho biết tiểu đường là một dạng bệnh lý chuyển hóa, gồm hai loại: tiểu đường type 2 - không phụ thuộc insulin, có tình trạng đề kháng insuline, thường gặp ở người lớn có thể trạng béo phì, rối loạn lipid máu, hoặc bị các bệnh lý xơ vữa mạch máu, rất ít gặp ở trẻ em. Dạng ở trẻ em là tiểu đường type 1 - phụ thuộc insulin.

Khoảng 50% trẻ em bị tiểu đường type 1 khởi phát trước 20 tuổi. Bệnh gặp ở bất kỳ tuổi nào, nhưng đỉnh khởi phát bệnh thường ở khoảng 5-7 tuổi hoặc tuổi dậy thì. Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em đang có xu hướng tăng. Năm 2004 khoa thận tiếp nhận 25 lượt BN nhập viện điều trị, đến năm 2005 là 38 lượt BN. Hiện khoa đang quản lý điều trị cho 58 BN tái khám định kỳ.

Khi bệnh khởi phát, trẻ thường có biểu hiện uống nhiều, tiểu nhiều trong ngày, từ từ trẻ gầy ốm, sụt cân, mệt mỏi. Nhiều trẻ đột nhiên đái dầm, hoặc không đi tiểu đêm nay đi nhiều lần. Khi xét nghiệm sẽ cho thấy đường trong máu tăng cao, có đường trong nước tiểu. Có những BN diễn tiến bệnh xảy ra nhanh hơn, kèm theo biến chứng do cơ thể bị bệnh nhiễm trùng hoặc chấn thương...

Khi đó có thể trẻ bị đau bụng, nôn ói, có dấu hiệu mất nước từ nhẹ đến nặng. Nặng hơn trẻ có thể bị trụy tim mạch, rối loạn hô hấp, thở ra có mùi aceton, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Đôi khi biểu hiện có thể là biến chứng mãn khác như dễ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm, vết thương lâu lành hay đục thủy tinh thể.

Kiên nhẫn điều trị

Theo bác sĩ Thúy An, tuy y học hiện nay chưa điều trị hết hẳn bệnh tiểu đường type 1, nhưng nếu biết kiểm soát đường huyết ổn định, BN vẫn có thể sinh hoạt, học tập hoặc tập luyện thể dục thể thao. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi, kiểm soát bệnh rất dễ có biến chứng: bị bệnh lý võng mạc, tiểu đạm rồi từ từ dẫn đến tổn thương thận, cao huyết áp, rối loạn lipid, bệnh lý mạch máu, bệnh lý thần kinh.

Tùy thời gian mắc bệnh, bác sĩ sẽ cho BN đi khám mắt, thử nước tiểu, đo điện tim, thử mỡ trong máu... để phát hiện và theo dõi biến chứng. BN không nên bỏ điều trị mà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, theo dõi đường huyết tại nhà. Nên thử đường huyết thường xuyên hơn khi trẻ bệnh để tránh những biến chứng nặng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa - trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1 - cho biết béo phì ở trẻ em cũng gia tăng. Ngoài những biến chứng hiện tại, trẻ em béo phì sau này sẽ trở thành người lớn béo phì cùng với những biến chứng của nó. Tại BV Nhi Đồng 1, năm 2000 có 786 lần BN đến khám béo phì, năm ngoái có 2.202 lần. Nhiều nghiên cứu cho thấy tiểu đường type 2 ở trẻ em tăng song song với béo phì.

Một số nghiên cứu ở nước ngoài và trong nước cho biết trẻ béo phì có mức insulin cao hơn trẻ bình thường. Điều này đồng nghĩa khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn. Nghiên cứu trên 330 trẻ bị béo phì đến điều trị tại BV Nhi Đồng 1 cũng cho thấy có 18,3% BN bị rối loạn đường máu, trong đó có 12,2% trẻ có mức đường máu cao.

Để phòng tránh bệnh tiểu đường type 2 khi trưởng thành, ngay từ khi trẻ còn nhỏ mà bị béo phì, gia đình cần giữ các nguyên tắc ăn uống sau cho trẻ: tuyệt đối không nhịn ăn; uống một ly nước, ăn canh hoặc một dĩa rau trước bữa ăn; nên ăn nhiều vào buổi sáng, ăn chậm nhai kỹ, ăn nhiều chất xơ (rau, trái cây...); hạn chế ăn tối, ăn các món chiên, quay...; đi bộ, chạy bộ; chơi thể thao, thể dục nhịp điệu; cần tập đều đặn hơn 3-4 lần/tuần, cường độ tăng từ chậm đến nhanh, từ ít đến nhiều, giảm tốc độ từ từ vào cuối buổi tập, thời gian tập từ 20-30 phút/lần.

LÊ THANH HÀ

Hơn 10 tuổi đã mắc bệnh tiểu đường type 2

Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết: "Ở các nước châu Âu, 80-90% người tiểu đường type 2 liên quan đến béo phì. Ở VN, hiện chưa có điều tra nào cụ thể nhưng chúng tôi đã phát hiện được bệnh nhi 11 tuổi bị béo phì dẫn đến tiểu đường type 2. Hiện tại người VN mắc bệnh béo phì còn thấp hơn tỉ lệ ở nhiều nước trên thế giới, nhưng giai đoạn tới đây sẽ khác. Nguyên nhân của việc này là do chế độ dinh dưỡng và vận động không phù hợp dẫn đến thừa năng lượng, rồi vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (người VN ăn nhiều món rán, rồi rán quá cháy...). Trong khi béo phì không chỉ dẫn đến tiểu đường mà còn liên quan đến bệnh tim mạch".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàn - trưởng khoa nội tiết, di truyền và rối loạn chuyển hóa (Bệnh viện Nhi T.Ư) - nói hiện tại Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho ba bệnh nhi mới hơn 10 tuổi bị béo phì và nghi vấn mắc tiểu đường type 2. Theo bà Hoàn, hiện nhiều nước trên thế giới phát hiện trẻ béo phì kèm tiểu đường type 2 mới 8 tuổi, còn các trường hợp phát hiện tại Bệnh viện Nhi T.Ư đều trên 10 tuổi.

L.ANH

Theo Tuổi trẻ online
  • 761