Mức độ kính trọng, yêu thương của con đối với mẹ có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ yêu đương của họ ở giai đoạn trưởng thành.
Ảnh: sheknows.com.
Livescience cho biết, các nhà khoa học của Đại học Montclair tại Mỹ phân tích kết quả của một cuộc điều tra trên phạm vi toàn nước Mỹ. Trong khoảng thời gian từ năm 1992 tới năm 1994, các điều tra viên phỏng vấn cha, mẹ và những đứa con trong khoảng 7.000 hộ về mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Phần lớn trẻ được phỏng vấn có độ tuổi từ 10 tới 17. Sau đó, từ năm 2001 tới năm 2004, các điều tra viên lại phỏng vấn những đứa con – lúc này có độ tuổi từ 20 tới 27 – về mối quan hệ yêu đương của họ.
Kết quả cho thấy những thanh niên gần gũi với mẹ ở thời ấu thơ có mức độ hài lòng cao hơn trong mối quan hệ yêu đương so với những người có khoảng cách với mẹ. Những người này cũng ít khi cãi vã, mâu thuẫn với người yêu hơn.
“Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó ảnh hưởng tới khả năng thành công trong quan hệ tình cảm của chúng ta ở tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ không cảm thấy gần gũi với cha mẹ sẽ có ít cơ hội hơn trong việc tìm kiếm tình yêu lãng mạn khi chúng lớn”, Constance Gager, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mẹ và con sau tuổi 14 dường như không tác động tới khả năng yêu đương của trẻ trong giai đoạn trưởng thành. Gager cho rằng rất có thể tính cách và quan điểm sống của con người đã hình thành tương đối đầy đủ sau tuổi 14 nên tình cảm với cha mẹ không tác động tới quan hệ yêu đương của chúng ta.
Mặc dù vai trò của cha đối với những đứa con tăng lên từ vài thập kỷ gần đây, nghiên cứu cho thấy tình cảm của họ chưa đủ lớn để tạo nên tác động trong quan hệ yêu đương của con. Gager nhấn mạnh rằng ngày nay, ngay tại Mỹ - một xã hội có quan điểm cởi mở vào bậc nhất thế giới – phụ nữ vẫn đảm đương tới 2/3 lượng việc nhà và chăm sóc con.