Con người có một loại "dấu vân tay vô hình"...

Ai cũng biết, dấu vân tay đặc trưng cho mỗi cá nhân. Nó có thể được in để lưu trữ trong các kho dữ liệu và rất có giá trị nhận dạng trong khoa học hình sự.

Ngoài ra, còn có một loại nhận dạng khác mang giá trị tương đương, mà các nhà chuyên môn hình sự gọi là “dấu vân tay vô hình”. Đó chính là mùi của cơ thể con người. Mỗi người, thật ra đều có một mùi đặc trưng riêng biệt.

Tính đặc trưng

Chúng ta thường không thắc mắc gì khi những em bé bình thản ngủ yên trong vòng tay mẹ chúng thay vì sự cựa quậy ra vẻ khó chịu khi được người khác quan tâm. Bởi giữa mẹ và em bé tự động thiết lập một mối quan hệ khăng khít qua mùi cơ thể ngay sau khi em bé cất tiếng khóc chào đời.

Ở một số loài vật nuôi và chủ nuôi cũng có một mối liên hệ mùi tương tự như ở con người. Trong đêm, một con chó có thể đánh hơi ra mùi của chủ nhân mà vẫy đuôi mừng rỡ thay cho hành động cất tiếng sủa hoặc âm thầm lao nhanh tới để tấn công người lạ mặt.


Mùi hôi là dấu vân tay vô hình.

Tất cả những điều này có được là nhờ sự thu nhận của bộ phận khứu giác em bé hoặc vật nuôi đã qua việc nhận biết mùi cơ thể con người.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, mùi của cơ thể con người có tính đặc trưng không khác gì dấu vân tay. Nhờ đó mà ngành khoa học hình sự có thể nhận diện kẻ thủ ác qua mùi của cơ thể nhờ khứu giác có cấu tạo đặc biệt của các chú chó nghiệp vụ được huấn luyện kỹ càng.

Các xét nghiệm về mặt sinh hóa cho thấy, giữa hai giới nam và nữ trong thành phần mồ hôi có sự hiện diện nhiều hoặc ít những chất mang tính đặc trưng cho giới của mình. Giữa những người cùng trong một giới tính, các thành phần đó cũng thay đổi ở những mức khác nhau, nên tạo ra những sắc thái riêng về mùi ở mỗi cá thể không khác gì tính chất của một bộ nhiễm sắc thể.

Hỗn hợp mùi hương của cơ thể có thể thay đổi theo thời gian và sự “can thiệp” của các loại mỹ phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, có khoảng 400 hợp chất thường xuyên hiện diện trong mồ hôi ở bất kỳ thời điểm và thời tiết nào. Đặc biệt, chúng cũng không chịu sự tác động của bất cứ đồ ăn, thức uống nào do người đó sử dụng. Điều này phải chăng đã tạo ra sự đặc trưng mùi của mỗi cá thể chúng ta.

Các nghiên cứu chuyên sâu cho biết, mùi của cơ thể của mỗi cá thể đều do một số gene quyết định, những gene này đều giữ những vai trò nhất định và quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người.

Các nhà khoa học chuyên về… mùi ở trung tâm nghiên cứu Monell (Philadelphia, Mỹ) khi làm nghiên cứu trên chuột đã đưa ra kết luận: “Mùi hương, giống như dấu vân tay, có thể là một cách đáng tin cậy để nhận biết một cá thể. Nếu những kết quả tương tự cũng xảy ra đối với con người, rất có khả năng có thể chế tạo những thiết bị nhận biết “mùi hương” của từng cá thể”.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định mùi cơ thể có liên quan đến một số loại bệnh tật. Đây có thể là gợi ý cho cho việc nghiên cứu phát minh ra các thiết bị cảm biến dò tìm và chẩn đoán bệnh trong tương lai.

Những yếu tố ảnh hưởng

Mùi đặc trưng của cơ thể mỗi người chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, trong đó có 5 yếu tố đóng vai trò mang tính tiêu biểu.

  • Cấu tạo tuyến mồ hôi: Ước tính cơ thể mỗi người trưởng thành có đến 4 triệu tuyến mồ hôi. Chúng được chia thành 2 nhóm: Nhóm 1 là tuyến mồ hôi thông thường, không mùi (eccrine sweat glands), chiếm khoảng 3 triệu tuyến, tuy phân bố rộng khắp cơ thể, nhưng tập trung nhiều ở lòng bàn tay và bàn chân; nhóm 2 là các tuyến mồ hôi dầu, có mùi (apocrine sweat glands) tập trung nhiều ở chân tóc, nách và bộ phận sinh dục. Chức năng của các tuyến mồ hôi được điều hòa bởi các tiến trình nội tiết.
  • Bốc mùi từ tóc: Đôi khi, tóc và da đầu bốc lên mùi khó chịu mà “nghi can” là… mồ hôi dầu, không tắm gội hoặc bụi bẩn đeo bám. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc ký sinh và phát triển. Quá trình phát triển của chúng gây kích thích da đầu tăng tiết mồ hôi dầu và sự phân hủy chất béo có trong mồ hôi dầu gây mùi khó chịu.
  • Xà phòng diệt khuẩn: Xà phòng luôn là điều tốt để tắm giặt cho sạch sẽ và thơm tho. Tuy nhiên, loại xà phòng có chức năng diệt khuẩn ngoài tác dụng tích cực, nó còn tác động ngoài sự mong muốn là gây khô da, làm cho cơ thể tưởng thiếu… mồ hôi nên tăng tiết. Mồ hôi càng nhiều, sự phân hủy càng lớn làm cho mùi càng “bốc” hơn.
  • Vai trò của stress: Stress hay sự căng thẳng, lo lắng quá mức cũng làm tăng tiết mồ hôi qua việc kích thích cơ thể sản sinh ra hormone tác động quá trình tăng tiết mồ hôi. Khi mồ hôi càng nhiều thì cơ thể càng có cơ hội để… “lên” mùi.
  • Táo bón… dự phần: Người bị táo bón khiến cho phân tồn đọng lâu trong cơ thể cũng góp phần sản sinh mùi khó ngửi. Các trường hợp táo bón nặng và kinh niên, những chất không mong muốn được hấp thu nhiều quá mức, có thể qua hệ tiêu hóa đi vào tuần hoàn, rồi ra lỗ chân lông góp phần tạo mùi “xấu” cho cơ thể.

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm nhiều chất xơ để chống lại sự táo bón.

Nỗi khổ mang tính phổ biến

Hôi nách là nỗi khổ về mùi mang tính phổ biến trên toàn thế giới. Cái mùi không mong mà có này luôn là nỗi khổ tâm đeo nặng ở nhiều người. Tuy màu sắc và bề mặt bộ da của mỗi người một khác nhưng lại có một đặc điểm chung là chúng luôn được làm làm “mềm” và ẩm ướt bởi các tuyến mồi hôi.

Ngoài ra, mồ hôi còn có vai trò điều hòa nhiệt độ cho cơ thể. Khi trời quá nóng hay cơ thể bị sốt, các lỗ chân lông dãn nở, qua đó mồ hôi bay lên mang theo nhiệt lượng làm cho ta có cảm giác mát mẻ hơn.

Các tuyến mồ hôi là thành phần phụ trong cấu trúc của da. Sự hoạt động kém cỏi của tuyến mồ hôi sẽ gây ra hiện tượng khô da. Trái lại, nếu vì một lý do nào đó mà sự hoạt động này tích cực quá sẽ gây ra bệnh mồ hôi chân, tay, nách và bệnh hôi nách.

Thành phần mồ hôi được tiết ra từ các tuyến mồ hôi thông thường chủ yếu là nước (H2O) và muối (NaCl), trong thành phần của mồ hôi do tuyến mồ hôi dầu tiết ra còn có amoniac (NH3) và các acid béo và protein. Thực ra, khi mới bài tiết, mồ hôi ở khu vực nách chưa có mùi “khủng”.

Nhưng sau đó, chính các chủng vi khuẩn và nấm ký sinh trên da là thủ phạm gây ra mức độ nghiêm trọng này. Mồ hôi là môi trường thuận tiện để chúng xâm nhập và phát triển. Các acid béo, protein có trong mồ hôi bị phân hủy và bốc mùi.

Mồ hôi có tính acid và có độ pH = 5 - 6. Bình thường, cơ thể tiết ra 500 - 700 ml mồ hôi mỗi ngày. Hoạt động của tuyến mồ hôi phụ thuộc vào hệ thống thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system). Hệ thống này chịu sự tác động mạnh mẽ của các yếu tố như nhiệt độ, tâm lý và vị giác...

Hôi nách chưa bao giờ là điều dễ chịu với những người xung quanh. Hôi nách là biểu hiện thường gặp ở độ tuổi dậy thì, vì lúc này các tuyến mồ hôi lớn ở nách đang bắt đầu phát triển mạnh, dưới tác động của các nội tiết tố trong cơ thể đang lớn. Cả nam và nữ đều có thể bị hôi nách. Nhưng theo các nghiên cứu khoa học, tỉ lệ nữ bị hôi nách lại nhiều hơn nam!

Mồ hôi nách thì ai cũng có. Nhưng hiện tượng “hôi” xảy ra là sự trục trặc trong quá trình chế tạo mùi mồ hôi của khổ chủ. Quá nhiều chất tạo mùi như amoniac (còn gọi là nước đái quỷ) và acid béo, protein xuất hiện trong thành phần mồ hôi được sản xuất ra từ các tuyến mồ hôi của nách dưới tác động của vi khuẩn và nấm mốc.

Một số thuốc chữa Chlorophyl viên 50 mg, uống 1 - 2 viên x 3 lần/ngày. Dùng đợt 30 ngày, nghỉ một tuần để “nghe ngóng tình hình”, nếu cần thì tấn công tiếp. Các thuốc đặc trị tại chỗ như Deodoral, Dr. Paul dạng phun hơi hoặc sáp bôi được dùng khá phổ biến. Bôi hoặc xịt ngày từ 1 - 2 lần là tình hình môi trường sẽ được cải thiện ngay.

Phương pháp dân gian cổ truyền dễ thực hiện, lại ít tốn kém như sau:

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, xát phèn chua đã phi và tán thành bột vào nách 3 - 4 lần/tuần. Hoặc là dùng cục phèn chua to mua ở chợ xát vào nách để khử mùi.

Bài thuốc trị hôi nách bằng gừng dại (còn gọi là gừng rừng): 20 gram thân và rễ sấy hoặc phơi khô tán mịn. Trộn với 4 gram long não (mua ở các quầy thuốc Đông y). Xoa nách 2 lần/ngày.

Bệnh hôi nách có thể được điều trị hiệu quả bằng phương pháp hiện đại là phẫu thuật laser. Thời gian thực hiện khoảng 30 - 60 phút. Sau khi gây tê tại chỗ, một tia laser được chiếu chọn lọc vào vùng phân bố của các tuyến mồ hôi dầu ở nách. Dưới tác động của tia laser, các tuyến mồ hôi dầu bị làm cho “tổn thương” không hồi phục. Nhờ đó dây chuyền sản xuất mồ hôi dầu bị phá hủy.

Những người… “yếu tim” chớ có điều gì lo lắng khi đi phẫu thuật laser để chữa bệnh hôi nách, vì tia laser chỉ tác động lên tuyến mồ hôi dầu ở nách mà không làm tổn hại gì đến sức khỏe và tất nhiên là cũng không để lại vết sẹo kỷ vật nào cả. Phương pháp điều trị này chỉ cần tiến hành một lần duy nhất cho hiệu quả lâu dài.

Điều mà những khổ chủ của hôi nách cần nhớ là phải thường xuyên tắm gội bằng các loại xà phòng thơm để làm sạch bớt mồ hôi trên da. Nếu “lơ đễnh” thì cơ thể cũng bốc mùi chứ kể chi đến hôi nách. Khi trời nóng nên mặc đồ rộng rãi, chọn chất liệu vải giúp thấm mồ hôi.

Cập nhật: 21/02/2021 Theo GDTĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video