"Nếu không có vi khuẩn sẽ không có sự sống của từng con người và động vật, thậm chí không có cả cái chết", giáo sư Anatoni Vorobiov người Nga nói. Trong cơ thể của mỗi chúng ta luôn luôn chứa khoảng... 2 kg vi khuẩn (hàng tỷ tỷ con) đang sinh sống. Lâu nay, con người chú ý nhiều đến mặt gây hại mà ít để ý đến mặt hữu ích của những "người bạn chung thủy” này.
Anatoni Vorobiov, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Nga, người đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về vi sinh vật, trong đó có các vi khuẩn nguy hiểm nhất, khẳng định ông coi tất cả vi khuẩn là bạn. Bởi lẽ, thế giới vi khuẩn mà chúng ta không nhìn thấy, nếu xét về khối lượng, còn lớn hơn cả thế giới mà chúng ta thấy bằng mắt thường. Tính ra mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta có từ 10-100 vi khuẩn. "Một chân lý cần phải được khẳng định lại là: Nếu không có vi khuẩn sẽ không có sự sống trên hành tinh, không có sự sống của từng con người và động vật, thậm chí không có cả cái chết!" - Vorobiov nói.
Ăn nhiều sữa chua để nuôi dưỡng vi khuẩn có ích. (Ảnh: Dailymail) |
Nếu lấy phân của một đứa bé đang bú sữa mẹ đem cấy vào một môi trường có chất dinh dưỡng, ta sẽ thu được một quần thể vi khuẩn có ích, gọi là bifido bacterie (BB). Loại vi khuẩn này thường sống ở đại tràng và trực tràng. Khi trẻ bắt đầu được nuôi dưỡng bằng các thức ăn khác ngoài sữa mẹ, trong ruột sẽ xuất hiện các loại vi khuẩn bệnh lý. Loại này chỉ chiếm một phần nhỏ trong thế giới vi khuẩn. Trong 1 triệu loài vi khuẩn, chỉ có 3.500 loài có khả năng gây bệnh.
Việc ăn uống thiếu vệ sinh, cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, lạm dụng kháng sinh và chất kích thích sẽ tạo điều kiện cho quần thể vi khuẩn bệnh lý sinh sôi nảy nở nhanh chóng, hạn chế sức phát triển của vi khuẩn BB.
Thế nhưng, nếu cẩn thận đến mức buộc con trẻ sống trong điều kiện sạch sẽ tuyệt đối thì các bà mẹ đã vô tình phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng của hệ vi khuẩn trong cơ thể con em mình. Điều này cũng sẽ dẫn đến bệnh tật.
Muốn khỏe mạnh và trường thọ, con người không có cách nào khác là tìm cách để chung sống hòa bình với thế giới vi khuẩn. Để "cuộc sống chung" được hòa thuận và đôi bên cùng có lợi, các nhà y sinh học đã nghĩ ra một phương pháp hữu hiệu: Thường xuyên cung cấp một loại thức ăn đặc biệt để nuôi dưỡng hệ vi khuẩn - đường oligo. Đường thông thường vào cơ thể được tiêu hóa qua dạ dày và hấp thu ở ruột non. Còn đường oligo được giữ nguyên dạng cho đến khi xuống tới đại tràng và trực tràng, để làm thức ăn ngon miệng cho các vi khuẩn.
Thực phẩm chứa nhiều oligo nhất là hành, hạt đậu trắng (1-3,5%) và đậu tương (10%). Một người bị mất cân bằng vi khuẩn đường ruột nên ăn 100 g hành mỗi ngày và tăng liều lượng thức ăn chế biến từ đậu. Có thể người đó sẽ bị khó chịu do đầy hơi và trung tiện, nhưng đó là dấu hiệu của sự "phục hưng" các vi khuẩn.
Các nghiên cứu cho thấy, đường oligo trong đậu tương chỉ "hợp khẩu vị" với các vi khuẩn có ích. Bạn cũng có thể bổ sung vi khuẩn có ích bằng sữa chua.