Con người thông minh, sáng suốt hơn sau khi "chết hụt"?

Một nghiên cứu chưa từng được thực hiện trước đây cho thấy những người sống sót sau một trải nghiệm cận tử, hay còn gọi là "chết hụt", sẽ có các hoạt động não mạnh hơn, cảm thấy thông minh, sáng suốt hơn.

Tại Hội nghị khoa học 2022 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tổ chức tại Chicago hôm 6-11, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học New York đã trình bày kết quả một nghiên cứu chưa từng được thực hiện trước đó.


Hoạt động của não bộ trước và sau trải nghiệm cận tử là một đề tài được quan tâm nhưng chưa từng có nghiên cứu khoa học đưa ra bằng chứng cụ thể - (Ảnh: Binaural Beats Meditation).

Nhóm nhà khoa học thực hiện cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm, từ 2017 - 2020, dựa trên 567 bệnh nhân ở Hoa Kỳ và Anh. Những bệnh nhân này nhập viện vì nhiều nguyên nhân, sau đó được hồi sức khi tim ngừng đập.

Chỉ chưa đến 10% số bệnh nhân ấy sống sót. Nhưng điều đặc biệt là 1/5 trong số ấy cho biết khi hồi phục họ trở nên sáng suốt hơn, suy nghĩ minh mẫn hơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ y khoa Sam Parnia (Đại học New York) cho biết trước đây từng có rất nhiều báo cáo thú vị về những người "bỗng thấy tỉnh táo" bất ngờ khi họ cận kề với cái chết, nhưng không có nghiên cứu nào đưa ra đủ thông tin để chúng ta hiểu biết về sự liên quan cái chết và hoạt động trí não từ khía cạnh khoa học.

Nghiên cứu này đã cho thấy những trải nghiệm này không phải chỉ là ảo giác.

Tại 25 cơ sở y tế trên cả Hoa Kỳ và Anh, mỗi khi nhân viên y tế thông báo về một người bị ngừng tim, các nhà khoa học liền đến và ghi lại hoạt động não của bệnh nhân đó.

Kết quả cho thấy hoạt động sóng gamma trong não những bệnh nhân này tăng đột biến. Sóng gamma hoạt động khi một người lấy lại ký ức và xử lý thông tin cảm xúc sau một trải nghiệm nào đó khiến họ tạm thời mất ý thức.

Nhiều bệnh nhân sống sót kể lại rằng trong khi quá trình hồi sức đang diễn ra, các bác sĩ đang làm mọi cách để cứu sống bệnh nhân (hô hấp nhân tạo, hoặc khử rung tim bên ngoài tự động) thì họ có cảm giác như thể "tri giác tách rời". 

Bệnh nhân tuy nhắm mắt nằm trên giường bệnh nhưng có nhận thức trực quan về đội ngũ y tế đang thực hiện hô hấp nhân tạo. Tức là "một phần nào đó" trong họ đã tách ra khỏi thể xác vật lý, "nhìn thấy" được khung cảnh trong buồng bệnh.

Thậm chí, theo tiến sĩ Parnia thì những người này cũng nhận ra rằng họ đã chết trong khi các bác sĩ vẫn đang vây quanh thực hiện hồi sức cấp cứu.

Bệnh nhân trải qua cảm giác như thể được đi đến một địa điểm khiến họ cảm thấy như đang ở nhà, hoặc một nơi nào đó rất thân thuộc, thu hút họ.

Một số bệnh nhân được hồi sức nhưng vẫn hôn mê và không tỉnh lại cho đến vài ngày hoặc vài tuần sau đó. Khung thời gian này có thể tạo nên nhiều trải nghiệm thú vị với bệnh nhân.

"Bệnh nhân bắt đầu có đầy đủ ký ức về mọi thứ đã làm, mọi việc, mọi người, mọi ý định trong suốt cuộc đời của họ. Mô tả đơn giản thì trải nghiệm này giống như thể một chiếc máy tính đang khôi phục toàn bộ dữ liệu đã xóa trước đó vậy", tiến sĩ Parnia chia sẻ.

Một trong những khám phá hấp dẫn nhất trong nghiên cứu này là ý thức của một người không mất đi khi cơ thể chết. Để rồi sau đó khi hồi phục, não hoạt động tốt hơn. Họ nhận ra tầm quan trọng của công việc, ý nghĩa của gia đình và cuộc sống hơn.

Cập nhật: 11/11/2022 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video