Đã có thời Citarum được mệnh danh là con sông thơ mộng nhất ở Indonesia: dân chài quăng lưới, đồng lúa bao quanh, bến sông nhộn nhịp người ra gánh nước. Vậy mà chỉ sau 2 chục năm, 9 triệu dân và hàng trăm nhà máy công nghiệp đã biến nó thành bãi rác thải kinh hoàng.
Dân cư quanh đây từ lâu cũng đã bỏ nghề đánh cá. Thứ nhất là chẳng sinh vật nào sống nổi trong môi trường ô nhiễm nhường này, thứ hai là việc nhặt nhạnh đồ phế thải bán “đồng nát” xem ra còn được nhiều tiền hơn, bất chấp mùi hôi thối nồng nặc và nguy cơ bệnh truyền nhiễm vây quanh người. Nếu may mắn, mỗi tuần họ có thể kiếm được 1-2 bảng Anh.
Vào thời điểm hiện tại, dọc hai bên bờ sông Citarum có trên 500 nhà máy công nghiệp, rất nhiều trong số đó là các xưởng dệt may không có bộ phận xử lý chất thải hóa học theo đúng yêu cầu. Rác rưởi sinh hoạt của hơn 9 triệu người dân sinh sống ở thủ đô cũng lần lượt trôi dạt cả về đây, chưa kể “phế phẩm” từ hàng trăm nhà vệ sinh thô sơ chĩa thẳng ống thoát xuống lòng sông.
Điều kinh hoàng hơn cả, nhiều hộ dân sống quanh dòng sông hàng ngày vẫn múc nước đen ngòm lên giặt giũ, tắm rửa, thậm chí đun nấu.
Rồi sẽ đến một ngày, sông Citarum đọng ứ lại không trôi được nữa. Khi đó Hồ Saguling sẽ không đủ nước để chạy máy phát điện, và dân Jakarta mới có dịp thấu hiểu họ đã xử tệ tự nhiên như thế nào.
Rác che phủ không nhìn thấy nước. (Ảnh: Daily Mail).
HM