Hãng hóa dược Bahiafarma của Brazil ngày 31/5 đã công bố phương pháp thử mới giúp phát hiện virus Zika trong vòng 20 phút.
Bahiafarma cho biết chất thử mới này lần đầu tiên được công ty sản xuất và đưa vào thương mại hóa trên phạm vi toàn quốc, được sự cấp phép của Cơ quan Giám sát Y tế Brazil.
Phương pháp thử mới này là thành quả 10 tháng hợp tác giữa Bahiafarma với công ty công nghệ Genbody của Hàn Quốc, cho phép phát hiện virus Zika ở bất kỳ giai đoạn lây nhiễm nào thông qua việc chụp cắt lớp kháng thể được cho là sẽ phát triển trong nguồn mang virus.
Chia sẻ với báo giới, ông Fabio Vilas Boas, Giám đốc Sở y tế bang Bahia, nói rằng trong các phương pháp thử trước đây, mẫu thử cần phải được phân tích tại phòng thí nghiệm, khiến có thể mất hàng tuần mới cho ra kết quả.
Nhân viên Hãng hóa dược Bahiafarma làm việc trong phòng thí nghiệm ở Salvador de Bahia, Brazil, ngày 31/5. (Nguồn: THX/TTXVN).
Cách thử mới này nhanh chóng cho kết quả trong vòng 20 phút ngay sau khi tách kháng thể từ máu.
Trong giai đoạn đầu, Bộ Y tế Liên bang Brazil dự kiến sẽ đặt mua 500.000 mẫu thử.
Theo số liệu mới nhất của Bộ này, có khoảng 120.000 ca bị nghi nhiễm virus Zika, tương đương với tỷ lệ 58,8 ca/10.000 dân, được ghi nhận trong quãng thời gian từ ngày 3/1-23/4 tại 1.650 khu vực thành thị trên cả nước.
Trong số này có 40.000 người được xác định là nhiễm virus Zika. Bang Bahia là khu vực có mức bùng phát bệnh dịch mạnh nhất, với 646 trẻ sơ sinh mắc hội chứng đầu nhỏ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ xác nhận chứng bệnh này là một dạng khiếm khuyết bẩm sinh do thai phụ nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai.
Được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và khu vực Mỹ Latinh, gây ra đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay.
Hiện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Cho đến nay, chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc đặc trị virus này.