Dấu ấn công nghệ thông tin và truyền thông năm qua của Việt Nam được ghi nhận với giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy của Tập đoàn Intel và chuyến thăm của tỷ phú - ông chủ Tập đoàn Microsoft Bill Gates.
Cùng với sự báo trước của một làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2007, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam được dự đoán tiếp tục có những bước đột phá mới cả về sản phẩm, giá cước dịch vụ và công nghệ mới.
Cách đây chưa lâu, chỉ 1-2 năm trước, ít người có thể nghĩ rằng sẽ có một nhà máy sản xuất chíp của Intel đặt ở Việt Nam cũng như không dám “mơ” về việc tỷ phú Bill Gate sẽ đặt chân đến Việt Nam trong năm 2007. Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Thuê bao di động phát triển đột phá trong khi những công nghệ mới nhất của thế giới là Wimax cũng đã được chính thức có mặt tại Việt Nam.
Bức tranh công nghệ thông tin đã sáng sủa hơn
Nhận xét về năm 2006, TS Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng bức tranh công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam trong năm 2006 đã sáng sủa hơn rất nhiều năm 2005.
Không chỉ dừng lại ở số vốn đầu tư 600 triệu USD, chỉ trong một vài tháng được cấp phép đầu tư, tập đoàn này đã quyết định nâng số vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Sự có mặt của Intel được xem như một minh chứng rõ rệt về môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như tiềm năng phát triển của công nghệ thông tin Việt Nam.
Rất nhiều người đã nửa đùa nửa thật rằng sự có mặt của tỷ phú Bill Gates tại Việt Nam đã trở thành nguyên nhân khiến cho danh sách của những “tỷ phú” Việt Nam nhanh chóng hình thành, trong đó có ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn FPT.
Điều này dường như có lý vì 2006 cũng là năm mà thị trường chứng khoán bắt đầu hoạt động nhộn nhịp và cũng lần đầu tiên, các giá trị cổ phiếu của các đại gia, những ông chủ tập đoàn lớn bắt đầu được công khai nhân theo giá thị trường. Tuy chưa thể so sánh với những tỷ phú của thế giới nhưng sự so sánh này cũng phần nào thể hiện mức độ phát triển và đột phá của Việt Nam nói chung và của ngành công nghệ thông tin nói riêng.
Cho dù chưa thể mang lại một hiệu ứng nào thiết thực cũng như những lời hứa về đầu tư hay giảm giá phần mềm nhưng sự có mặt của tỷ phú Bill Gates bản thân tự nó cũng đã là một giá trị lớn, nâng tầm thương hiệu công nghệ thông tin của Việt Nam lên gấp nhiều lần trên bản đồ thế giới.
Sau chuyến thăm của Bill Gates, cũng đã có thêm hàng loạt các lãnh đạo tập đoàn lớn khác cũng đã tới Việt Nam như IBM, Motorola... Rất nhiều chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin đều có chung nhận định: sự có mặt của một nhà máy lớn của Intel thường kéo theo một loạt các tập đoàn vệ tinh khác tới Việt Nam.
Tất cả dường như đang báo trước một làn sóng đầu tư mới vào ngành công nghệ thông tin của Việt Nam trong năm 2007 và các năm tới.
Theo kịp thế giới bằng những công nghệ mới nhất
Một điều dễ dàng nhận thấy là thị trường công nghệ thông tin - truyền thông năm qua tiếp tục bùng nổ theo xu hướng mang lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng. Thị trường thông tin di động đa dạng hơn với sự góp mặt thêm của 2 nhà cung cấp CDMA mới là EVN Telecom và HT Mobile.
Ngay sau khi ra mắt, các nhà cung cấp mới cũng đã tung ra hàng loạt các gói cước mới, khuyến mại ở mức cao hơn, đặc biệt là HT Mobile cũng đã đưa ra những gói cước mới được xem là những “cú sốc” đối với thị trường.
Sự có mặt của các nhà cung cấp mới cũng đòi hỏi 4 nhà cung cấp khác là VinaPhone, MobiFone, Viettel và S-Fone phải nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm nhiều hình thức khuyến mại sáng tạo khác nhau để lôi kéo khách hàng mới và không để khách hàng của mình chạy sang các đối thủ khác.
Trên thị trường Internet, giá cước dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL đã hạ xuống mức kỷ lục, thậm chí đưa ra những chiêu khuyến mại “không tưởng” trong lịch sử dịch vụ Internet như dùng ADSL thoải mái chỉ với 30.000 đồng. Nếu như trước đây khách hàng đăng ký dịch vụ ADSL phải mất cả triệu đồng lắp đặt thì nay đã không những không mất tiền lại còn được tặng cả modem và 3 tháng sử dụng miễn phí.
Tuy nhiên, việc các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cạnh tranh quyết liệt cũng đã gắn liền với những hệ quả xấu. Trong năm 2006, chất lượng các mạng di động của Việt Nam đều “thảm hại” và người sử dụng cũng thường phải trả tiền oan cho những cuộc gọi bị rớt mạng giữa chừng. Tình trạng thường thấy là phải gọi 2-3 cuộc gọi thì khách hàng mới thiết lập được cuộc gọi của mình thay cho những cuộc gọi đầu có tín hiệu “ò e í”.
Điều đáng mừng là thị trường công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam đã gần như theo kịp thế giới với sự có mặt của những công nghệ mới nhất như Wi-max, truyền hình di động.
Trong năm 2006, Bộ Bưu chính Viễn thông đã cấp phép thử nghiệm công nghệ Wi-max có thời hạn 1 năm cho 4 doanh nghiệp là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viettel, VTC và FPT. Tháng 10/2006, VNPT cùng với đối tác Intel đã chính thức khai trương dự án thử nghiệm dịch vụ Wi-max tại Lào Cai.
Cùng lúc, 2 doanh nghiệp VTC và Vietttel cũng tuyên bố thử nghiệm dịch vụ này. Viettel tỏ quyết tâm mạnh tay hơn khi quyết định thử nghiệm Wi-max di động và cung cấp dịch vụ ngay tại Hà Nội.
Trong khi Wimax chưa gây được ấn tượng gì nhiều cho người sử dụng thì dịch vụ truyền hình di động đã bắt đầu gây được sự chú ý của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Tháng 10/2006, S-Fone đã chính thức ra mắt dịch vụ xem phim, truyền hình, nghe nhạc, truy cập Internet trực tiếp trên điện thoại di động dựa trên công nghệ CDMA 2000 1x-EVDO, cho phép tốc độ truyền dữ liệu lên tới 2,4 Mb/giây.
Tiếp sau 1 tháng, VTC cũng đã công bố ra mắt dịch vụ truyền hình di động dựa trên công nghệ DVH-B. Trong thời gian đầu, dịch vụ này sẽ được phát sóng tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM và các vùng lân cận với 8 kênh truyền hình.
VTC cho biết, hệ thống phát sóng truyền hình chuẩn DVH-B hoàn toàn độc lập với hệ thống sóng di động (GSM, CDMA) và vì vậy, khách hàng khi sử dụng sẽ không bị phụ thuộc vào chất lượng sóng di động của các nhà cung cấp.
Báo trước một năm tiếp tục sôi động
Với những dấu ấn đáng nhớ của năm 2006, thị trường công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam tiếp tục hứa hẹn một năm đột phá.
Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO đã tác có tác động không nhỏ tới các các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp nhanh chóng lớn mạnh, gia tăng thị phần để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời kỳ hội nhập.
Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đã tới Việt Nam và đang trong quá trình chờ đợi để có được những giấy phép hay có được cổ phần của mình tại các công ty trong nước.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, ADSL... sẽ tiếp tục cuộc đua khốc liệt trong khuyến mại và giá cước nhằm thu hút khách hàng. Cuộc đua này càng sôi động hơn trong năm 2007 với sự góp mặt của HT Mobile, mạng di động vừa ra mắt vào những ngày cuối cùng của năm 2006.
Cũng trong năm 2007, dịch vụ Wi-max sẽ vượt qua giai đoạn thử nghiệm để có thể bước đầu cung cấp dịch vụ tại các thành phố lớn. Tuy chưa thể cạnh tranh ngay được với các dịch vụ Internet băng thông rộng như ADSL do đầu tư lớn cả về công nghệ và thiết bị nhưng dịch vụ cũng sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng phải tính toán lại chiến lược của mình tại thị trường Việt Nam.
Cùng với những bước phát triển rất mạnh mẽ, năm 2007 cũng được dự đoán là năm mà các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục vất vả để đối phó với những vấn nạn nảy sinh từ sự phát triển của công nghệ.
Nạn hacker tấn công vào các website trong nước như đã từng xảy ra trong năm 2006 với website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chodientu.com... chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nhiều hơn. Những website có tên tuổi, đặc biệt là các website có hoạt động kinh doanh trực tuyến của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục là mục tiêu tấn công của các hacker.
Bên cạnh đó, sự phát triển của phong trào viết blog trong giới trẻ cũng khiến cho nạn “blog bẩn” trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết.
Thanh Hà