Công nghệ thực tại hỗn hợp mới mang bộ phim Đêm ở viện bảo tàng ra đời thực

Với hàng triệu đứa trẻ, bị buộc phải đến bảo tàng là một trải nghiệm khổ sở, khi phải đứng nhìn những hình ảnh hay những bức tượng lặng thinh chán ngắt, thay vì sống động như trong phim “Đêm ở viện bảo tàng” của Ben Stiller.

Nhưng mọi thứ có thể thay đổi với sự ra đời của một công nghệ "thực tại hỗn hợp" (MR) mới, có khả năng giới thiệu nhưng dạng kể chuyện tương tác mới vào những chuyến thăm bảo tàng của bạn, mang đến trước mặt bạn những hướng dẫn viên ảo dưới dạng holographic, những màn hình kỹ thuật số ba chiều trên những tủ kính mờ vân tay, cùng những bảng thông tin thoắt ẩn, thoắt hiện huyền ảo.

Không hoàn toàn bao quanh người dùng như công nghệ thực tại ảo (VR), không đòi hỏi màn hình máy tính như công nghệ thực tại tăng cường (AR), MR sử dụng một màn hình gương đeo trên đầu, tương tự như kính Google Glass vậy, cho phép người dùng thấy được thế giới thực xung quanh họ đồng thời với những hình tượng ảo đè lên trên, tạo nên cảm giác thật - giả lẫn lộn.


MR sử dụng một màn hình gương đeo trên đầu, tương tự như kính Google Glass vậy.

Để đạt được kỳ tích đó, các thiết bị MR được trang bị các cảm biến theo dõi chuyển động của người dùng. Các thiết bị MR còn được trang bị các camera có khả năng phát hiện các điểm trong môi trường xung quanh để hỗ trợ quá trình đặt các vật thể ảo vào thế giới vật lý một cách chân thực nhất. Tất cả những điều này được hoàn thành thông qua việc chiếu các hình ảnh đồ hoạ 3D vào màn hình gương - quá trình cho ra một hình ảnh hologram.

Kết quả là, những vị khách đến thăm các bảo tàng MR trong tương lai sẽ được chìm đắm trong những cuộc đi săn kho báu hải tặc bị thất lạc, chạy trốn khỏi những cạm bẫy trong mê cung, hay chèo thuyền qua những con sông tràn ngập cá sấu nhằm tìm kiếm những manh mối chứa thông tin liên quan. Nếu từng đến bảo tàng Ai Cập ở Cairo, bạn sẽ được chứng kiến một vài cuộc phiêu lưu kỳ thú như vậy, khi mà các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm công nghệ MR tại đây.

Cụ thể, thử nghiệm ở Cairo sử dụng phần cứng là kính HoloLens của Microsoft, và phần mềm mới tên là "MuseumEye". Ai cập cổ đại là một thời đại đầy thú vị trong lịch sử loài người, rất phù hợp để mang ra đời thực thông qua sự trợ giúp của công nghệ - dù rằng những hình ảnh mà bạn sẽ thấy có lẽ giống phim "Xác ướp" hơn là "Đêm ở viện bảo tàng".

Xác ướp trở lại

Trong thử nghiệm MR ở bảo tàng Ai Cập, hình ảnh hologram của vua Tutankhamen và nữ hoàng Ankhesenamun sẽ là những "hướng dẫn viên" dẫn du khách thăm quan bảo tàng, trên đường đi sẽ kể về cuộc sống trước đây của họ, đồng thời trình diễn cách sử dụng một vài trong số 120.000 công cụ và tạo tác ở thời kỳ đó.


Trải nghiệm công nghệ MR qua phần mềm MuseumEye ở Ai Cập

Để đưa được những tạo tác cổ đại đến khách ghé thăm, các nhà nghiên cứu phải sử dụng máy quét 3D để quét nhiều hiện vật nhằm dựng hình kỹ thuật số chúng thành những vật thể 3D tương tác được. Những dữ liệu quét được sau đó sẽ được đưa vào một chương trình gọi là "Unity" có chức năng ráp nối chuyển động của tay vào các tác vụ - ví dụ, động tác nhéo sẽ được chuyển mã thành lệnh thu nhỏ vật thể. Các nhân vật chuyển động được trong MR được dựng trong các chương trình như "zBrush" và "Autodesk Maya". Nhờ quá trình viết mã kỳ công này, khách ghé thăm có thể "lấy các vật phẩm từ kệ trưng bày" và xem xét chúng một cách chi tiết, sử dụng các thao tác bàn tay được phiên dịch bởi kính HoloLens.

Chưa hết, các nhà nghiên cứu còn tái hiện lại những cuộc chiến của đế chế Ai Cập cổ đại, với các chiến binh và chiến xa chạy quanh phòng trưng bày. Khách còn có cơ hội trở thành một nhà khảo cổ học, tham gia vào những cuộc đi tìm kho báu ẩn đặt quanh bảo tàng. Tất nhiên, mỗi phát hiện sẽ được tính điểm, biến buổi học ở bảo tàng vốn từng chán ngắt trở thành một trò chơi thú vị - nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng "game hoá" các bài học tại bảo tàng có thể giúp cải thiện kết quả mà các vị khách tiếp thu được.

Khoảng 171 nhà tài trợ cho các viện bảo tàng đã đánh giá ứng dụng MuseumEye, trong đó hơn 80% nhận định trải nghiệm MR đã giúp cải thiện đáng kể giá trị tương tác, giải trí và giáo dục. Và còn có những lợi ích khác: trong một nghiên cứu riêng rẽ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hướng dẫn khách bằng công nghệ MR vừa hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc sử dụng hướng dẫn viên con người, vừa có khả năng cung cấp thông tin thời gian thực cho khách tham quan dựa trên hành vi của họ, cũng như tại các khu vực có quá đông khách.

Lịch sử holographic

Nhiều bảo tàng khác đã bắt đầu thử nghiệm MR. Bảo tàng Diệt chủng Quốc gia đã sử dụng HoloLens để tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ trong cuộc triển lãm "Witnessing the Kindertransport". Tại New York, Bảo tàng Intrepid, Air & Sea đã tổ chức một cuộc triển lãm MR tên "Defying Gravity: Women in Space". Và tại Washington được, Bảo tàng Địa lý Quốc gia đã tổ chức triển lãm "Becoming Jane", cho phép khách tham quan chìm đắm vào công việc và cuộc sống của nhà nghiên cứu tinh tinh Dr. Jane Goodall.


Triển lãm MR: “Defying Gravity: Women in Space”

Không chỉ trong lĩnh vực bảo tàng, MR còn được sử dụng trong dự án HoloDentist, giúp các thực tập sinh ngành nha tiến hành những cuộc phẫu thuật an toàn trên các bệnh nhân ảo. Trong khi đó, dự án ".rooms" sử dụng MR để hỗ trợ các nhà thiết kế nội thất, cho phép mọi người bước đi quanh nhà và thay đổi vị trí và vẻ ngoài của các món đồ nội thất theo ý thích.

Trở về thực tại

Bởi công nghệ MR vẫn còn trong những ngày "chập chững", các thiết bị hiện có dành cho các nhà phát triển hiển nhiên còn nhiều hạn chế và đắt đỏ - đó là lý do tại sao Bảo tàng Ai Cập hiện chưa triển khai công nghệ MR chuyên dụng mới nhất. Một chiếc kính Microsoft HoloLens có giá khoảng 3.500 USD, và những bảo tàng lớn có thể cần đến 300 kính mới chạy được những tour MR hiệu quả.

Tuy nhiên, công nghệ này được dự báo sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Sau khi kính VR Oculus Rift của Facebook không thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, công ty này đã công bố thương hiệu kính thông minh MR của riêng mình, dự kiến ra mắt cuối năm nay. Trong năm 2020, Nreal cũng đã ra mắt thiết bị MR mang tên U+ Real Glass ở Hàn Quốc - một thiết bị giá tốt phục vụ nhu cầu thường ngày, và dự định sẽ mở rộng sang các thị trường Nhật Bản và châu Âu trong những năm tới.

Phần mềm MuseumEye mà bài viết đã đề cập ở trên đã cho chúng ta thấy công nghệ MR có thể mang lịch sử trở lại như thế nào, qua đó tạo nên những lợi ích thiết thực cho cả các bảo tàng lẫn các vị khách ghé thăm. Với sự ra mắt của các phần cứng MR mới, giá phải chăng, và sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của các phần mềm hologram, chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến sự bùng nổ của MR tại các bảo tàng trên toàn thế giới trong tương lai không xa - bạn có hứng thú với trải nghiệm "Đêm ở viện bảo tàng" ngoài đời thực không?

Cập nhật: 02/02/2021 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video