Công nghệ mới xây dựng đường hầm bộ đèo Ngang

  •  
  • 1.052

Lần đầu tiên Việt Nam có thể tự thiết kế, giám sát, chỉ đạo thi công một công trình có kỹ thuật phức tạp, mà không có sự trợ giúp của một chuyên gia nước ngoài nào. Đó là công trình đường hầm bộ đèo Ngang áp dụng công nghệ mới của nhóm tác giả thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT.

Quang cảnh đường hầm bộ đèo Ngang. (TEDI)

Giải pháp công nghệ mới của nhóm tác giả do kỹ sư Ngô Xuân Thỉnh đứng đầu đã đoạt giải nhì trong cuộc thi Sáng tạo khoa học Việt Nam 2005 (VIFOTEC). Đó là kết quả từ chương trình chuyển giao công nghệ tại dự án xây dựng hầm đường bộ Hải Vân, trong đó Việt Nam liên doanh với các hãng Nippon Koei của Nhật Bản và Louis Berger International của Mỹ.

Đoạn đường bộ qua đèo Ngang dài khoảng 7 km trên quốc lộ 1A thuộc địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tổng chiều dài đoạn tuyến mới là 2,8 km, trong đó hầm đường bộ dài 495 m. Riêng hạng mục hầm đã áp dụng giải pháp thiết kế và thi công theo phương pháp công nghệ mới của Áo, viết tắt là NATM.

Ông Ngô Xuân Thình, chủ nhiệm đề tài, cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước đang phát triển đã mạnh dạn áp dụng công nghệ đào hầm NATM vào thi công các công trình hầm giao thông. Các kỹ sư và công nhân cầu đường trong nước đã tự thiết kế, giám sát, chỉ đạo thi công một công trình áp dụng công nghệ mới có kỹ thuật phức tạp mà không có sự trợ giúp của một chuyên gia nào. Tổng số tiền tiết kiệm do thuê chuyên gia khoảng 21 tỷ đồng.

Trong quá trình nghiên cứu thiết kế và giám sát xây dựng, các kỹ sư đã giải quyết thành công bài toán kinh tế - kỹ thuật của dự án, trong đó tận dụng được nhiều vật liệu trong nước và tự chế tạo được các thiết bị như gương đo biến dạng, hệ thống kết cấu trục đỡ, hệ thống neo... thay thế vật liệu nhập ngoại mà vẫn đảm bảo chất lượng tương đương.

Đường hầm bộ đèo Ngang. (TEDI)

Quá trình xây dựng công trình kéo dài 16 tháng và đã hoàn thành vào tháng 8/2004. Sau hơn 1 năm sử dụng, lưu lượng xe qua hầm đạt trên mức dự kiến. Công trình được đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết những khó khăn trắc trở giao thông trên hành trình Bắc - Nam, rút ngắn được khoảng cách 4,5 km, giảm thiểu chi phí vận hành và hạn chế tai nạn giao thông trên đường đèo. Tiến tới nhóm nghiên cứu sẽ áp dụng công nghệ mới để xây dựng đường hầm bộ ở Thanh Hoá hay hầm đường sắt ở Thái Nguyên.

Ông Thình nhận định dự án xây dựng hầm đường bộ đèo Ngang hoàn thành đã mở ra một triển vọng về việc Việt Nam có thể tự thiết kế và xây dựng nhiều hầm đường bộ, đường sắt và đường cao tốc, với các tiêu chuẩn hình học cao trong những năm tới. Đây cũng là một dấu mốc chứng tỏ Việt Nam đã đạt trình độ ngang tầm khu vực về lĩnh vực xây dựng cầu đường. 

Theo VnExpress
  • 1.052