Công nghệ tưới phun mưa dùng năng lượng Mặt Trời

Tận dụng lợi thế và tiềm năng của một tỉnh "thiếu mưa, thừa nắng" như Ninh Thuận, Dự án đưa công nghệ tưới phun mưa sử dụng năng lượng Mặt Trời đã được Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng tại Ninh Thuận, giúp người dân có điều kiện mở rộng diện tích canh tác, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản suất trên đơn vị diện tích, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Tưới phun mưa sử dụng năng lượng Mặt Trời là công nghệ mới, lần đầu tiên được ứng dụng tại Ninh Thuận. Công nghệ này được thực hiện nhằm tận dụng ánh sáng Mặt Trời, thông qua hệ thống kết nối được lắp đặt như pin, bộ sạc, bộ ắc quy, bộ chuyển đổi để tạo ra dòng điện. Khi có điện, người nông dân sẽ sử dụng nguồn điện này gắn vào mô tơ bơm tưới phun cho cây trồng.

Ông Lương Văn Liêm cùng nhóm nghiên cứu công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết công nghệ này được ứng dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường cho người dân, nhất là người dân đang sinh sống ở vùng chưa có điện lưới quốc gia, vùng thiếu nước tưới khó khăn về sản xuất.

Ứng dụng công nghệ này, người nông dân không những có nguồn điện sử dụng cho sinh hoạt, mà còn phục vụ cả sản xuất, tiết kiệm được năng lượng chi phí cho sản xuất, tiết kiệm công lao động và tiết kiệm được 30-50% lượng nước tưới so với phương pháp tưới thông thường.

Bên cạnh đó, công nghệ này còn giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, chống được tình trạng cát bay, cát nhảy xâm nhập vào, làm hạn chế sự sinh trưởng và phát triển, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Tuy chi phí đầu tư để lắp đặt hệ thống công nghệ này hơi cao (khoảng 100 triệu đồng) nhưng tuổi thọ sử dụng khá lâu, khoảng 15 năm. Lắp đặt một hệ thống tưới phun mưa sử dụng năng lượng Mặt Trời tưới được khoảng 4.000m2 đất sản xuất.

Đánh giá cao công nghệ tưới phun mưa sử dụng năng lượng Mặt Trời, ông Phạm Phú Rong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được ứng dụng tại Ninh Thuận nhưng mang lại hiệu kinh tế quả cao, bởi không những phù hợp với điều kiện khí hậu mà còn giúp người dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Khi triển khai ứng dụng, Sở sẽ cử cán bộ chuyên ngành giúp nông dân áp dụng vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Hội Nông dân tỉnh sẽ nhân rộng mô hình, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư lắp đặt hệ thống công nghệ này ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích canh tác, giống cây trồng, hỗ trợ thăm dò khai thác nguồn nước để tưới cho cây trồng.

Hiện nay, dự án bắt đầu được triển khai thí điểm một hệ thống tưới trên diện tích 4.000m2 sản xuất đậu của gia đình ông Nguyễn Hữu Lương ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước. Toàn bộ chi phí lắp đặt hệ thống được Công ty Holcim Prize tài trợ, riêng hệ thống ống dẫn tưới phun mưa, người dân tự đầu tư vốn.

Theo Vietnam+
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video