Các nhà khoa học Úc kết luận rằng dùng ADN chiết xuất từ hóa thạch khủng long để tái tạo các loài khủng long là điều không thể, vì thế công viên khủng long chỉ tồn tại trong phim khoa học viễn tưởng.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Murdoch (Úc) cho biết ADN không thể tồn tại hơn 6,8 triệu năm trong các hóa thạch nên không thể thực hiện thành công các thí nghiệm chiết xuất ADN từ hóa thạch để tái tạo loài khủng long, trong khi chúng đã tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm, theo tin tức từ tờ Sydney Morning Herald ngày 12/10.
Một cảnh trong phim Jurassic Park phần 4 - (Ảnh: Reuters)
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Mike Bunce cho biết nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận trên sau khi nghiên cứu xương hóa thạch của một loài chim tuyệt chủng ở New Zealand cách đây 521 năm.
Họ chiết xuất một đoạn ADN khỏi hóa thạch này rồi lưu trữ ở mức 13,1 độ C, nhưng khi hạ nhiệt độ xuống còn 5 độ C thì đoạn ADN hoàn toàn biến mất.
Tiến sĩ Bunce cho biết ADN chỉ có thể tồn tại khoảng một triệu năm trong các hóa thạch khủng long nếu được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ thấp lý tưởng.
Các nhà khoa học trên thế giới từ lâu đã nỗ lực nghiên cứu xem liệu ADN sau khi chiết xuất từ hóa thạch khủng long có thể được dùng để tái tạo khủng long hay không, tựa như trong tác phẩm văn học và phim Công viên khủng long (Jurassic Park).
“Hồi đầu thế kỷ 19, nhiều nhà khoa học đã rất tò mò về việc tạo ra một công viên khủng long. Nhưng tạo ra một công viên với những con khủng long sống được tái tạo từ các ADN trong hóa thạch là điều không thể xảy ra trong thực tế”, tiến sĩ Bunce cho biết.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B.