Cuộc sống hàng ngày của những con chim cánh cụt ở Nam Cực

Nhiếp ảnh gia người Hà Lan Albert Dros nổi tiếng với tác phẩm về phong cảnh tự nhiên. Trong chuyến đi tới Nam Cực gần đây, anh bị ấn tượng bởi cuộc sống của loài chim cánh cụt.


"Tôi coi thiên nhiên là niềm cảm hứng lớn nhất của mình. Mỗi ngày thiên nhiên đều cho tôi thấy điều mới mẻ và mời gọi tôi chụp lại những khoảnh khắc đó"
, nhiếp ảnh gia Albert Dros chia sẻ. Anh đến Nam Cực lần này trên một tàu du lịch của Iceland, với nhiệm vụ dạy cho hành khách cách chụp ảnh.


Một con chim cánh cụt Gentoo mẹ bên cạnh hai con non của mình. Chúng có chiều cao khoảng 90cm khi trưởng thành và là loài chim cánh cụt lớn thứ 3 thế giới sau chim cánh cụt hoàng đế và chim cánh cụt vua.


Mỗi con chim cánh cụt Gentoo mái đẻ 2 quả trứng, mỗi quả khoảng 500 gram. Loài này chủ yếu ăn các động vật giáp xác như các loài nhuyễn thể, và cá chỉ chiếm 15% khẩu phần ăn của chúng.


"Tôi yêu động vật, và làm sao mà bạn có thể không yêu chim cánh cụt chứ? Tất cả những gì chúng làm đều đáng yêu. Không chỉ dáng vẻ bề ngoài của chúng mà cách chúng di chuyển, giao tiếp và cư xử đều cực kỳ thú vị. Tôi yêu chúng ngay lập tức và biết rằng mình phải thực hiện một bộ ảnh để truyền tải cảm giác đó"
, nhiếp ảnh gia người Hà Lan chia sẻ.


Một con chim cánh cụt Adelie non, chúng là loài chim cánh cụt phổ biến dọc theo toàn bộ vùng bờ biển Nam Cực. Mặc dù không phải là loài có kích thước lớn nhất, nhưng chim cánh cụt Adelie khá hùng hổ, chúng nhiều lần được nhìn thấy bắt nạt các loài chim cánh cụt khác và đương đầu với những dã thú lớn hơn.


Do bề mặt băng ở Nam Cực bị giảm, số lượng chim cánh cụt Adelie đã giảm 65% trong vòng 25 năm qua ở bán đảo Nam Cực.


Cấu trúc xã hội của loài này cũng rất phức tạp, con đực cần mang một hòn đá tới để làm quen với con cái. Tuỳ vào chất lượng và kích thước của hòn đá mà con cái sẽ đồng ý cho con đực làm gì hay không. Cũng có trường hợp ghi nhận chim cánh cụt Adelie cái sẵn sàng ngủ với nhiều con chim đực để tích luỹ nhiều hòn đá, việc có thể coi là hoạt động mại dâm.


Chim cánh cụt có đường cao tốc riêng nối khu vực trú ẩn và bờ biển, chúng sẽ sử dụng những lối đi có sẵn (mà những con khác sử dụng) để đi ra biển kiếm ăn rồi đi về, chứ không đi lại lung tung. Một đàn sẽ xếp hàng đi cùng nhau và phải đi sau con đầu đàn.


Một nhóm các con chim cánh cụt Adelie xếp hàng nhảy xuống nước. Chúng bơi với vận tốc trung bình khoảng 8 km/h và có thể nhảy khỏi mặt nước 3 mét để hạ cánh xuống mặt băng.


Một con chim cánh cụt Gentoo (2 vệt trắng trên mắt) nhảy khỏi mặt nước. Chúng là loài chim cánh cụt bơi nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa lên tới 36km/h. Nhiếp ảnh gia Albert Dros cho biết việc chuyển từ chụp phong cảnh sang chim cánh cụt tương đối khó khăn, vì anh phải chuyển từ những chủ thể tĩnh sang chủ thể di chuyển với tốc độ cao.

Cập nhật: 31/07/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video