Đây là một bước đột phá mới trong sứ mệnh đem lại cuộc sống khỏe mạnh và dài lâu cho con người trong tương lai.
Theo Futurism, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học John Hopkins (Mỹ) đã xác định được cơ chế then chốt đằng sau một trong những đặc tính chết người của các bệnh ung thư. Dựa trên những hiểu biết về di căn, công trình nghiên cứu của họ cho thấy những triển vọng mới trong việc ngăn chặn sự phát tán của ung thư trong cơ thể.
Nắm được bản chất của tế bào ung thư
Điều trị ung thư có thể rất phức tạp: ví dụ như việc các tế bào ung thư thường có xu hướng phát tán rất nhanh, hiện tượng này còn được gọi là di căn – một hiện tượng nhiều khi rất khó để phát hiện kịp thời. Vì vậy, ung thư vẫn còn là một vấn đề toàn cầu, cứ 6 người chết thì 1 trong số đó do ung thư gây nên, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 90% cái chết do ung thư xảy ra trong giai đoạn ung thư đã di căn. Nhưng sẽ như thế nào nếu sự di căn của ung thư được ngăn chặn một cách kịp thời? Đó là công trình nghiên cứu của một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường Đại học John Hopkins vừa được xuất bản trên tạp chí Nature Communications.
Tế bào ung thư vú ở phụ nữ. (ảnh: Futurism).
Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng điều quan trọng là hiểu được yếu tố nào sẽ "kích hoạt" quá trình di căn. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Hasini Jayatilaka đã phát biểu trong buổi họp báo: "Chúng tôi tìm hiểu được rằng kích thước tổng thể của một khối u không phải là nguyên nhân khiến cho các tế bào ung thư di căn, mà là các tế bào đó đã bị nén chặt lại với nhau như thế nào tại thời điểm khối u bị vỡ". Hiện tượng tương tự cũng được tìm thấy ở các tế bào vi khuẩn.
"Về cơ bản, chúng tôi nhận thấy mật độ tế bào rất quan trọng trong việc kích hoạt quá trình di căn. Nó giống như việc đợi bàn trong một quán ăn quá chật chội và nhận được thông báo rằng bạn phải đi nơi khác để ăn vậy".
Cải thiện tình trạng của bệnh nhân
Trước nghiên cứu này, nguyên nhân của tế bào di căn được nghi là do sự phát triển của khối u. Họ đã nghiên cứu các tế bào của khối u trong môi trường 3D, mô phỏng lại mẫu mô người và nhận thấy tình trạng bị "nén" trong các tế bào ung thư – không nhất thiết là sự tăng trưởng của khối u – là yếu tố kích hoạt quá trình di căn. Họ cũng khám phá ra rằng các protein - Interleukin 6 (IL-6) và Interleukin 8 (IL-8) – là nguyên nhân dẫn đến sự phát tán của tế bào ung thư.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Denis Wirtz giải thích: "Bằng cách này, chúng tôi có thể xây dựng một liệu pháp điều trị đặc biệt, tác động trực tiếp đến di căn mà không cần phải xem xét sự gia tăng kích thước khối u. Cách điều trị này có thể ức chế quá trình di căn và cải thiện tình trạng của bệnh nhân".
Giáo sư Muhammad Zaman từ trường Đại học Boston cho rằng đây là lý do khiến nghiên cứu này trở nên thú vị. Phát biểu với tờ Baltimore Sun, ông chia sẻ: "Nghiên cứu này đem lại cho chúng ta một mục tiêu rõ ràng để có thể thiết kế các loại thuốc đặc trị. Đây là một điều vô cùng tuyệt vời, đặc biệt là với ngành sản xuất thuốc và vật lý trị liệu".
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng, chỉ với một loại thuốc hay một liệu pháp điều trị thôi là không đủ. Chúng ta sẽ cần tới sự phối hợp nhiều loại thuốc, hoặc nhiều liệu pháp kết hợp với nhau, cộng thêm hệ thống miễn dịch của cơ thể, để có thể chiến thắng căn bệnh ung thư một lần và mãi mãi.