Đại học Harvard muốn phun chất độc để cứu nguy cho Trái Đất

Đưa các hợp chất sulfate vào bầu khí quyển cũng giống như một vụ phun trào núi lửa. Nó có thể sẽ không dừng lại được một khi các phản ứng phụ xảy ra ngoài tầm kiểm soát.

Aerosol - hay các Sol khí, là những vi hạt lơ lửng trong không khí ở dạng keo có kích thước lớn hơn 0,2 micromet (sương mù là một ví dụ cho aerosol). Chúng thường có tác hại cho sức khỏe con người nhiều hơn là có lợi. Nghe có vẻ điên rồ nhưng các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard dự tính sẽ phun loại hạt này vào bầu khí quyển nhằm chống lại biến đổi khí hậu.


Phun Sol khí (aerosols) vào tầng bình lưu mô phòng hiệu ứng làm mát của các núi lửa. (Ảnh: Xosnak).

Nước cờ mạo hiểm của Harvard

Về cơ bản, chúng sẽ tạo ra một lớp khiên chắn làm từ hàng triệu tấn vi hạt gốc sulfate phản xạ lại bức xạ Mặt trời, giúp Trái Đất không bị quá nhiệt như hiện tại.

Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn khả năng bầu khí quyển vốn đã rất mong manh có thể bị "đầu độc", dẫn tới hệ quả khôn lường như trong bộ phim Matrix. Khi đó, Trái Đất bị phủ một lớp khí đen, toàn bộ ánh sáng Mặt trời bị chặn lại.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn hết sức nghiêm túc xem xét việc xây dựng một tấm khiên hóa học bảo vệ địa cầu.

“Việc các nhà nghiên cứu tại một trong những trường Đại học hàng đầu thế giới bắt đầu phát triển một ý tưởng táo bạo như vậy cho thấy rằng biến đổi khí hậu toàn cầu đã trở nên nguy cấp tới mức nào”, chuyên gia Khí hậu động lực học Peter Cox trả lời Guardian.

Các phân tích chi tiết chỉ ra việc phun các vi hạt có thể dẫn tới kết quả rất nguy hiểm và không ổn định, song về mặt kỹ thuật là có thể.

Phương án này cũng không đắt đỏ. Bằng cách sử dụng một phi đội chuyên cơ phun sương các hạt sulfate vào lớp dưới tầng bình lưu, nghiên cứu của Đại học Harvard cho hay chi phí cho dự án tham vọng này có thể nằm trong khả năng của nhiều quốc gia.


Sử dụng aerosols ngăn chặn tia bức xạ Mặt trời là một trong những biện pháp geo-engineering, vốn tiềm tàng nhiều nguy hại và chưa được kiểm chứng đầy đủ. (Ảnh: AFP).

Nếu dự án này được triển khai vào năm 2019, nhóm nghiên cứu dự đoán sẽ tốn chỉ 3,5 tỷ USD để khởi động, và chi phí duy trì hàng năm là 2,25 tỷ USD. Cần biết, mỗi năm thế giới chi tới 500 tỷ USD cho các loại công nghệ xanh - các khoản đầu tư không sinh lời.

“Rất nhiều quốc gia đủ năng lực, tài lực để tiến hành một chương trình như vậy”, nghiên cứu kết luận. “Có khoảng 50 quốc gia mà ngân sách quốc phòng hàng năm nhiều hơn 3 tỷ USD, trong đó có 30 nước chi hơn 6 tỷ”.

Một trong những khoản chi nhiều nhất cho dự án tham vọng này là mua phi đội máy bay phun sương.

Phun sương bằng máy bay là phương án duy nhất đủ rẻ. Tuy vậy một mẫu máy bay có thể bay cao tới 20km, chuyên chở hàng tấn vi hạt hiện tại chưa có trên thị trường (các máy bay thương mại hiện bay ở độ cao 10km).

Các máy bay này phải bay đủ cao, để những xáo trộn ở tầng đối lưu không ảnh hưởng tới các vi hạt. Sau đó vi hạt sẽ được phun ra ở tầng bình lưu, nơi không có gió, bão hay các hoạt động khí quyển khác. Chúng có thể ở đó cả năm trời mà không ngưng đọng xuống mặt đất.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu cần thiết kế ra một mẫu máy bay hoàn toàn mới chỉ để phục vụ cho mục đích duy nhất này. Các máy bay cần có thân hẹp, cánh rộng và có thể có 4 động cơ, nhiều hơn 2 động cơ so với các máy bay thương mại phổ biến.

Nếu muốn thực hiện khoảng 60.000 chuyến bay mỗi năm để làm mát Trái Đất trong suốt 15 năm, đội bay cần tới 100 chuyên cơ. Các nhà khoa học dự tính có thể tiến hành dự án với 8 chiếc đầu tiên được chế tạo.

Nhiều hệ quả khôn lường

Tuy nhiên công nghệ che chắn này cũng có nhiều hệ quả. Các vi hạt có thể làm axit hóa đại dương cùng nhiều viễn cảnh khó lường khác. Chưa quốc gia nào từng thử tiến hành một chương trình tương tự.

Những loại kỹ thuật can thiệp khí hậu như vậy cho tới nay được xem là “rẻ, nhanh và chưa hoàn thiện”.

Đưa các hợp chất sulfate vào bầu khí quyển cũng giống như một vụ phun trào núi lửa. Nó có thể sẽ không dừng lại được một khi các phản ứng phụ xảy ra ngoài tầm kiểm soát.

Ngoài ra nếu vì lí do nào đó, việc phun hạt bị dừng lại giữa chừng, kết hợp với hiệu ứng nhà kính nhiều khả năng Trái Đất sẽ càng nóng lên nhanh hơn.


Việc ngăn chặn tia sáng mặt trời có thể mang lại tác động không mong muốn như phá vỡ gió mùa Ấn Độ. (Ảnh: Time Magazine).

“Phương án này cũng giống như thả gấu vào đấu trường giữa người với sư tử. Gấu có thể giết sư tử, nhưng chúng cũng có thể cùng nhau chia mồi là đấu sĩ”, Jonathan Protor, nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Berkeley nhận định.

Một số chuyên gia thậm chí cho rằng, các kỹ thuật can thiệp khí hậu như thế này là một mối nguy cho nền dân chủ. Việc gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia nào đó làm chủ được công nghệ này và đe dọa nền độc lập của các quốc gia còn lại?

Nhưng Đại học Harvard cho rằng không thể có chuyện một quốc gia nào đó tiến hành dự án ở quy mô như vậy trong bí mật có thể “độc quyền công nghệ được. “Chẳng lẽ lại không ai để ý tới 4.000 chuyến bay bất thường lên tầng bình lưu hàng năm?”, nhóm nghiên cứu Harvard phản biện.

Tương lai biến đổi khí hậu được giải quyết, hoặc bộ phim Matrix sẽ trở thành đời thực vẫn còn bỏ ngỏ với nhiều tranh cãi chưa thể chấm dứt.

Cập nhật: 24/04/2019 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video