Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo rằng các nước phương Tây cần cắt giảm một nửa khẩu phần thịt trong chế độ ăn uống của mình để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu mà nguyên nhân chính là do các sản phẩm chăn nuôi của ngành nông nghiệp.
Ăn ít thịt hơn, đặc biệt là thịt bò, tái chế chất thải nhiều hơn và dành nhiều đất nông nghiệp cho trồng trọt là những việc con người nên làm nếu muốn chống lại biến đổi khí hậu. Nếu kiên trì thay đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp cũng như điều chỉnh lượng thịt trong khẩu phần ăn từ đây đến năm 2050, chúng ta có thể làm chậm đáng kể quá trình biến đổi khí hậu. Khi đó nồng độ CO2 trong bầu khí quyển sẽ giảm 25 phần triệu, mức an toàn để giữ cho trái đất không nóng lên quá 2 độ.
Các nhà khoa học khuyến cáo các nước phương Tây ăn ít thịt để cứu trái đất
Trong thực tế, để đạt được mục tiêu này, con người cần giảm từ 15%-16,6% lượng thịt trong tổng số calo tiêu thụ hằng ngày. Nếu lấy khẩu phần ăn của người phương Tây làm chuẩn thì điều này đồng nghĩa với việc họ phải ăn ít hơn 1 nửa số thịt so với hiện nay. Theo dự đoán của các nhà khoa học, dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,3 tỉ người vào năm 2050.
Cần có giải pháp hiệu quả để có thể vừa đảm bảo đủ lương thực cung cấp cho 9,3 tỉ người, vừa ngăn chặn được biến đổi khí hậu. Một trong số những phương án cần thiết là giảm tỉ lệ đất nông nghiệp trong chăn nuôi và tăng diện tích đất trồng trọt. Hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm tới 78% diện tích đất nông nghiệp trên toàn thế giới.
Như vậy, những biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên toàn cầu đều xuất phát từ nhu cầu của con người. Đây là sự thật hiển nhiên mà đã được các nhà khoa học cảnh báo rất nhiều lần. Cách tốt nhất để kéo dài sự sống trên hành tinh này là con người phải cắt giảm những nhu cầu hằng ngày của chính mình. Ăn ít thịt để cứu trái đất, dễ mà khó.