VLA và ALMA, 2 hệ thống đài quan sát thiên văn vô tuyến hạng nặng của nhân loại, đã thu thập được bộ dữ liệu ngoạn mục về 97 ngôi sao non trẻ mang đĩa tiền hành tinh - những Hệ Mặt trời tương lai - trong chòm sao Orion.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Patrick Sheehan từ Đại học Northwestern và Đài quan sát thiên văn vô tuyến Quốc gia Mỹ đã sử dụng hai hệ thống đài quan sát thiên văn Karl G. Jansky Very Large Array (VLA, đặt tại New Mexico) và Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA, đặt tại sa mạc Atacama của Chile) để nhìn thằng vào một trong các "vườn ươm sao" màu mỡ nhất vũ trụ.
Theo Sci-News, đó là Đám mây phân tử Orion, cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Orion (Lạp Hộ).
Các hệ thống sao non trẻ với đĩa tiền hành tinh cái thì đã tròn, cái còn méo mó được ghi nhận trong ánh sáng vô tuyến bởi ALMA (màu xanh) và VLA (màu cam) - Ảnh: NRAO / AUI / NSF
Cấu trúc của đám mây phân tử dày đặc khí bụi này đã giúp hình thành những đĩa lớn khi vật chất trong đám mây sụp đổ, chứ không sụp đổ thẳng lên ngôi sao đang hình thành ở trung tâm đĩa.
Đĩa này sẽ bồi tụ ngôi sao dần dần theo thời gian và chính nó có thể trở thành một đĩa tiền hành tinh trong tương lai và giúp ngôi sao thành kẻ không đơn độc, mà sẽ là trung tâm của một "Hệ Mặt trời" mới. Tổng cộng tới 97 "Hệ Mặt trời" sơ sinh được VLA và ALMA bắt được tín hiệu.
Phát hiện này nằm trong khuôn khổ cuộc khảo sát VANDAM, nhằm tìm kiếm và nghiên cứu các ngôi sao non trẻ.
Một số ngôi sao trong số 97 vật thể vừa được xác định có thể đang trưởng thành đáng kinh ngạc: các nhà thiên văn đã quan sát được khoảng trống trong các đĩa tiền hành tinh có tuổi đời mới chỉ 100.000 năm. Thông thường những thế giới như Hệ Mặt trời của chúng ta mất tới 1 triệu năm để đĩa tiền hành tinh trông gọn gàng lại và xuất hiện khoảng trống - khởi đầu cho việc xuất hiện hành tinh.
Một số vật thể có hình dạng khá bất thường mà các nhà khoa học tin rằng do chúng mới ra đời nên hệ thống đĩa tiền hành tinh vẫn chưa thành hình hoàn toàn.
Các phát hiện vừa được công bố trên Astrophysical Journal.