Tại tỉnh Ninh Thuận, diện tích hoang mạc chiếm đến 34% diện tích đất tự nhiên. Huyện Ninh Phước là địa phương có diện tích hoang mạc lớn nhất tỉnh và cả khu vực miền Trung. Trong năm 2005, khô hạn đã làm cho hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện phải bỏ hoang, hàng trăm gia súc bị chết khát và hàng ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt.
Hiện nay, Ninh Thuận đã triển khai các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ để tưới tiết kiệm, cùng với việc đào các ao chứa nước dưới chân những quả đồi không có khả năng giữ ẩm để tích nước mưa tự nhiên, sau đó dùng máy bơm tưới ngược lại những vùng đã bị mất nước. Với cách làm này, phần nào đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Do địa hình phức tạp, đồi dốc lớn, lượng mưa hàng năm rất ít, chỉ khoảng 500-600mm, nắng nóng đã làm cho thảm thực vật ở Ninh Thuận chết dần, tạo thành những vùng đất bán sa mạc. Ngoài điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tình trạng chặt phá rừng và chăn thả rông gia súc quá mức cũng đã làm cho tình trạng hoang mạc hoá ngày càng nghiêm trọng.
Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng quản lý công nghệ, Sở Khoa học công nghệ tỉnh cho biết: "Chúng tôi đã đề xuất những giải pháp nhằm thích ứng với điều kiện khô hạn, đó là Nhà nước hỗ trợ đào ao sinh thái ở những vùng khô hạn, như thế có thể tưới được trong mùa khô. Thứ hai là chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp. Yếu tố rất quan trọng là nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, để nâng cao nhận thức của nhân dân".
Báo cáo mới đây trong chương trình môi trường của Liên hiệp Quốc, khoảng 50% trong tổng diện tích đất không còn khả năng để sản xuất nông nghiệp, tập trung ở các nước Đông Nam Á và Nam Á. Đây là hậu quả từ việc canh tác không bền vững và thay đổi khí hậu. Như vậy, để ngăn chặn tình trạng sa mạc hoá trên diện rộng ở tỉnh Ninh Thuận cũng nhất thiết phải áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm và quy hoạch lại vùng chăn nuôi.