Không phải là tình trạng hiếm gặp, đau lưng khi thở có thể gây ra sự khó chịu, mệt mỏi và tâm trạng lo lắng cho người bệnh. Hầu hết tình trạng này thường do các vấn đề cơ xương khớp. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng khi thở mà mọi người nên biết
1. Vẹo cột sống
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên. Mặc dù tình trạng sức khỏe này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở trẻ vị thành niên hoặc thanh thiếu niên.
Cong vẹo cột sống có thể gây đau lưng khi thở là do áp lực từ lồng ngực và cột sống lên tim và phổi.
Ngoài đau lưng khi thở, cong vẹo cột sống bao gồm một số triệu chứng khác như: đau lưng, yếu và tê ở tay và chân, vai và hông hoặc lồng ngực không đều, khó đứng thẳng, hụt hơi. Các triệu chứng của chứng vẹo cột sống có thể xuất hiện dần dần và ban đầu có thể không được chú ý nên ảnh hưởng đến quá trình điều trị trong giai đoạn sớm.
Cách điều trị
Để điều trị chứng cong vẹo cột sống, người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Đối với những người có độ cong từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể khuyên nên đeo nẹp lưng. Những người bị vẹo cột sống nặng hơn có thể cần phẫu thuật tổng hợp cột sống để làm thẳng cột sống. Điều này còn tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, giới tính, độ tuổi...
Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng khi thở. (Ảnh: Internet).
2. Gù cột sống
Gù cột sống là tình trạng cột sống cong lên về phía trước và cũng có thể gây ra tình trạng đau lưng khi thở. Độ cong này có thể phát triển trong thời niên thiếu, sau chấn thương cột sống hoặc do lão hóa.
Gù cột sống cũng có thể gây đau lưng, sưng tấy và các vấn đề về thăng bằng. Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, điều này có thể dẫn đến khó thở hoặc khó ăn ở một số người.
Cách điều trị
Điều trị chứng gù cột sống có thể bao gồm việc tham gia vật lý trị liệu, đeo nẹp và dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Đối với chứng gù nặng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng phẫu thuật.
Người bị gù cột sống (gù lưng). (Ảnh: Internet).
3. Đau tim
Đau tim cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng khi thở. Các cơn đau tim có thể gây ra cảm giác áp lực hoặc đau ở ngực và đặc biệt có thể lan ra lưng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có triệu chứng này.
Để nhận biết mình có lên cơn đau tim hay không, mọi người có thể dựa vào một số triệu chứng như đau ngực, cảm giác áp lực hoặc căng tức ở ngực, đau ở một hoặc cả hai cánh tay, đau hàm, hụt hơi, choáng váng, buồn nôn và ói mửa.
Đau tim là tình trạng y tế khẩn cấp. Do đó, khi nghi ngờ mình xuất hiện cơn đau tim thì nên đến bệnh viện ngay lập tức hoặc gọi cấp cứu kịp thời.
Cách phòng ngừa
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phòng ngừa cơn đau tim, nhưng bằng một số biện pháp và lối sống tích cực, mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ. Theo Mayoclinic, để ngăn ngừa bệnh tim, chúng ta nên duy trì lối sống sau:
- Không hút thuốc lá và tránh những nơi có khói thuốc
- Duy trì lối sống vận động và hoạt động thể chất phù hợp. Bạn nên đặt mục tiêu hoạt động ít nhất 30 đến 60 phút mỗi ngày.
- Chế độ ăn tốt cho tim, chẳng hạn như bổ sung rau củ và trái cây, đậu, thịt nạc và cá, thực phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, các loại ngũ cốc, chất béo lành mạnh như dầu ô liu và bơ.
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh để thừa cân, béo phì.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Hầu hết người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Trẻ em thường cần nhiều hơn.
- Tránh căng thẳng, lo âu
- Bảo vệ cơ thể tránh các bệnh nhiễm trùng
- Khám sức khỏe định kỳ để có thể nhận ra những bất thường của cơ thể
Các cơn đau tim có thể gây ra cảm giác áp lực hoặc đau ở ngực và đặc biệt có thể lan ra lưng. (Ảnh: Internet).
4. Béo phì
Vì sao béo phì lại gây ra tình trạng đau lưng khi thở? Vì khi cơ thể có trọng lượng dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên lưng, khớp và các bộ phận khác của cơ thể. Hơn nữa, một số người mắc bệnh béo phì có thể gặp vấn đề về hô hấp và cảm thấy khó chịu hoặc thậm chí đau ở lưng hoặc các bộ phận khác khi hít thở sâu.
Cách kiểm soát cân nặng
Kiểm soát cân nặng là cách tốt nhất giúp bạn giảm đau lưng và đau khớp cũng như phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật. Giảm cân thông qua chế độ ăn hạn chế calo và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn có thân hình đẹp. Nếu thừa cân, béo phì do liên quan đến nội tiết thì bạn nên tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ.
Người bị béo phì dễ gặp các vấn đề về hô hấp và trọng lượng dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên lưng. (Ảnh: Internet).
5. Ung thư phổi
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư phổi thường không gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dấu hiệu phổ biến của ung thư phổi là đau ngực, thường cảm giác đau hơn khi thở sâu hoặc ho.
Nếu ung thư lan sang các cơ quan khác thì có thể gây đau xương ở lưng hoặc hông, đặc biệt khi ho. Khối u phổi cũng có thể đè lên dây thần kinh ở cột sống, ảnh hưởng đến nhịp thở và gây đau lưng khi thở.
Ngoài đau ngực, đau lưng khi ho, người bị ung thư phổi còn kèm theo một số triệu chứng khác như ho mãn tính, ho ra máu hoặc máu trong chất nhầy, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên hoặc tái phát, hụt hơi, thở khò khè, khàn tiếng, khó nuốt, giảm cân không rõ nguyên nhân, mất cảm giác ngon miệng.
Cách phòng ngừa
Chúng ta cũng không thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư phổi nhưng có thể giảm nguy cơ bằng một số cách như:
- Không hút thuốc, tránh hít khói thuốc thụ động.
- Kiểm tra mức radon trong nhà. Radon là một loại khí phóng xạ tồn tại trong nhà có thể gây ung thư phổi.
- Tránh chất gây ung thư tại nơi làm việc (nếu có nguy cơ)
- Ăn một chế độ ăn uống đầy đủ trái cây và rau quả và tập thể dục thường xuyên.
Dấu hiệu phổ biến của ung thư phổi là đau ngực khi hít sâu, đôi khi có thể lan sang lưng. (Ảnh: Internet).
6. Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi xảy ra khi xuất hiện cục máu đông trong động mạch cung cấp máu cho phổi. Điều này làm chặn dòng máu cung cấp cho phổi và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó, khi nghi ngờ mình bị thuyên tắc phổi thì nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Người bị thuyên tắc phổi thường cảm thấy đau khi hít thở sâu và đau vùng lưng trên. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau ngực, ho và có thể ho ra máu, nhịp tim nhanh, chóng mặt, chân bị sưng tấy lên.
Cách phòng ngừa
Thuyên tắc phổi thường do sự hình thành của cục máu đông. Do vậy, ngăn ngừa cục máu đông là chìa khóa trong việc ngăn ngừa thuyên tắc phổi. Một lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ hình thành cục máu đông, chẳng hạn như: ăn uống khoa học, thể dục và vận động thường xuyên, không hút thuốc, không thức khuya...
Đau lưng khi ho cũng có thể do thuyên tắc phổi. (Ảnh: Internet).
7. Viêm phổi
Viêm phổi cũng có thể là một bệnh lý gây ra tình trạng đau lưng khi thở. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sốt và ớn lạnh, ho ra đờm, hụt hơi, ăn không ngon, thở khò khè, nôn mửa.
Khi bị viêm phổi, người bệnh cần điều trị theo phác đồ, chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa
Không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp như:
- Tiêm phòng đầy đủ, nhất là trẻ em và người cao tuổi
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng
- Duy trì lối sống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch.
- Nếu hút thuốc thì bạn nên bỏ thuốc
Ho do viêm phổi có thể gây đau ngực, bụng hoặc lưng. (Ảnh: Internet).
8. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo cột sống, nhưng thường xảy ra nhất ở vùng lưng dưới, đặc biệt cơn đau lưng sẽ trầm trọng hơn khi thở.
Ngoài đau lưng khi thở, các triệu chứng khác của thoát vị đĩa đệm bao gồm: đau và tê ở một bên cơ thể, ngứa ran hoặc nóng rát gần vết thương, yếu cơ, cơn đau kéo dài đến cánh tay hoặc chân, cơn đau trở nên tồi tệ hơn sau khi đứng hoặc ngồi.
Đối với hầu hết bệnh nhân, thoát vị đĩa đệm thắt lưng sẽ dần dần cải thiện trong khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần. Thông thường, hầu hết bệnh nhân sẽ hết triệu chứng sau 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân gặp phải những cơn đau trong quá trình hồi phục.
Nếu điều trị không phẫu thuật, người bệnh nên nghỉ ngơi tại chỗ nhiều hơn và tập các bài vật lý trị liệu. Nếu nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Trên đây là 8 nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng khi thở. Mặc dù đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng hầu hết những người gặp tình trạng này đều do các vấn đề về cột sống. Nếu xuất hiện tình trạng này lâu ngày không thuyên giảm dù tìm cách khắc phục, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để tìm rõ nguyên nhân.