Hầu hết mọi người đều thỉnh thoảng trải qua một vài cơn đau nhức. Trên thực tế thì cơn đau đột ngột là một phản ứng quan trọng của hệ thần kinh giúp cảnh báo bạn về khả năng bị thương. Tuy nhiên, với cơn đau mãn tính - cơn đau kéo dài ít nhất 12 tuần - có thể khiến khả năng vận động của bạn bị hạn chế dần theo thời gian cũng như sức chịu đựng giảm xuống.
Cơn đau mãn tính cảnh báo những gì?
Cơn đau mãn tính có thể tương đối rõ ràng với cảm giác đau được mô tả là đau như bị cứa, sắc nét hoặc âm ỉ, đau rát hay nhức nhối ở các khu vực bị ảnh hưởng. Tần suất đau có thể ngắt quãng hoặc liên tục, đến và đi mà không có lý do rõ ràng. Cơn đau mãn tính có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cơ thể với cảm giác đau khác nhau.
Những loại đau mãn tính phổ biến nhất bao gồm: đau đầu, đau sau phẫu thuật, đau sau chấn thương, đau lưng dưới, đau trong bệnh ung thư, đau do viêm khớp, đau thần kinh (đau do tổn thương thần kinh), đau do chấn thương tâm lý.
1. Nguyên nhân gây đau mãn tính
Đau mãn tính có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố khác nhau. Thông thường, các tình trạng đi kèm với quá trình lão hóa bình thường có thể ảnh hưởng đến xương và khớp theo cách gây ra các cơn đau mãn tính. Các nguyên nhân phổ biến khác là tổn thương thần kinh và vết thương không lành được.
Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau mãn tính. (Ảnh: Internet).
Nguyên nhân chính xác của cơn đau mãn tính mà không do chấn thương gây ra vẫn chưa được chính thức hiểu rõ, cần dựa vào tần suất đau, khu vực xuất hiện cơn đau và mức độ đau để xác định. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau mãn tính mà bạn cần chú ý:
1.1. Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn
Theo Healthline, nhiều người tin rằng, cơn đau mãn tính thường phát triển sau khi dây thần kinh bị tổn thương. Chẳng hạn như bong gân hoặc căng cơ. Tổn thương thần kinh khiến cơn đau dữ dội và kéo dài hơn. Trong những trường hợp này thì việc điều trị vết thương ban đầu có thể không giải quyết được toàn bộ cơn đau.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cơn đau mãn tính xảy ra không liên quan tới bất kì chấn thương nào trước đó cả, chúng có thể xuất phát từ các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn chẳng hạn như:
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính: đặc trưng bởi sự mệt mỏi kéo dài cực độ và thường kèm theo các cơn đau nhức cơ bắp, đau khớp mà không kèm theo sưng đỏ hay đau đầu, đau họng.
- Lạc nội mạc tử cung: là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc bên trong tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung hoặc ngay tại tử cung, thường là trên các cơ quan khác bên trong khung chậu hoặc khoang bụng.
Lạc nội mạc tử cung, hay còn gọi là endometriosis, gây đau mãn tính do mô lạc nội mạc vẫn phản ứng theo chu kỳ kinh nguyệt và có thể sưng lên, phá vỡ và gây viêm nhiễm tại các vị trí mà nó phát triển. Điều này gây ra sự kích thích và hình thành sẹo, tạo ra các túi dính giữa các cơ quan, dẫn đến đau, sưng và có thể gây ra các vấn đề sinh sản. Đau thường tăng lên trong chu kỳ kinh nguyệt và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ.
- Đau cơ xơ hóa: là một hội chứng rối loạn ở vấn đề xử lý tín hiệu đau và truyền đến các cơ từ bộ não. Đặc trưng của đau cơ xơ hóa là tình trạng đau cơ xương lan tỏa, bệnh thường tiến triển âm thầm, tác động lớn đến sức khỏe, khả năng vận động cũng như cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
- Bệnh viêm ruột: là một tình trạng tái phát và thuyên giảm, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính tại các vị trí khác nhau trong đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và đau bụng.
Tùy từng khu vực đau khác nhau mà cảm giác đau sẽ có sự khác biệt. (Ảnh: Internet).
- Các tình trạng gây viêm như viêm khớp: gây đau mãn tính thông qua sự viêm và hủy hoại dần dần các khớp. Khi các khớp bị việm, lớp sụn bảo vệ đầu xương trong khớp có thể bị mòn đi, gây ra sự ma sát và đau khi xương chạm vào xương. Tình trạng viêm cũng gây tổn thương đến các mô xung quanh khớp, bao gồm dây chằng và cơ, làm tăng cảm giác đau và gây hạn chế chuyển động. Các sản phẩm của quá trình viêm có thể kích thích thêm cảm giác đau và gây ra sưng, đỏ và cảm giác nóng tại khu vực bị ảnh hưởng.
- Viêm bàng quang kẽ: Là viêm bàng quang không nhiễm khuẩn, nó gây ra đau (vùng trên mu, vùng chậu, bụng), tiểu dắt, tiểu gấp và tiểu són.
- Rối loạn chức năng khớp thái dương hàm: là hiện tượng các cơ nhai và khớp thái dương hàm có hoạt động bất thường. Nhưng biểu hiện của căn bệnh này thường không rõ ràng, thoáng qua, thậm chí có người tự nhiên khỏi, chính vì thế hầu hết mọi người không mấy quan tâm.
Người mắc rối loạn này có thể trải qua cảm giác đau đớn khi nhai, nói chuyện, ngáp hoặc thậm chí khi không hoạt động. Đau thường lan tỏa từ khớp đến các khu vực lân cận như tai, mặt, cổ và vai. Sự căng thẳng hay cắn chặt hàm có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến tiếng động lạ khi mở miệng, cảm giác khớp bị kẹt hoặc khó khăn trong việc mở miệng rộng hơn.
- Ung thư: do sự phát triển của khối u có thể gây áp lực lên các cơ, xương, dây thần kinh hoặc các cơ quan khác. Đau cũng có thể xuất phát từ các phản ứng viêm xung quanh khối u hoặc do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị, có thể gây tổn thương tế bào và mô khỏe mạnh.
Ngoài những bệnh lý kể trên thì những cơn đau dai dẳng kéo dài cũng có thể là biểu hiện của loét dạ dày, AIDS, bệnh túi mật,...
Như vậy có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính gây đau mãn tính bao gồm:
- Đau không do viêm: đau đầu, đau lưng, đau cổ do co cơ
- Đau do viêm: đau sau phẫu thuật, đau do chấn thương, đau do thoái hóa, đau trong bệnh nhân ung thư, đau do viêm khớp, đau do gout,...
- Đau do yếu tố thần kinh: đau sau zona, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, đau dây thần kinh số V, đau do biến chứng thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường,....
1.2. Chế độ ăn kém lành mạnh, thiếu hụt dinh dưỡng
Chúng ta đều biết rằng một chế độ ăn uống cân bằng sẽ cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất đa lượng cần thiết cho các hoạt động thường ngày của cơ thể. Chế độ ăn uống của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng, tâm trạng và hệ miễn dịch của bạn.
Chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh có thể dẫn tới đau mãn tính. (Ảnh: Internet).
Như vậy có thể thấy, một chế độ ăn kém lành mạnh có thể dẫn đến đau mãn tính do cung cấp không đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể hoặc bằng cách gây viêm và stress oxy hóa. Khi cơ thể không nhận được đủ vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất khác, các chức năng cơ thể có thể bị suy giảm, dẫn đến sự suy yếu của hệ thống miễn dịch và khả năng phục hồi kém.
Một chế độ ăn nhiều đường, chất béo bão hòa và chất béo trans có thể góp phần vào việc phát triển viêm và đau mãn tính. Việc tiêu thụ quá mức thực phẩm chế biến và thiếu hụt chất xơ cũng có thể gây trở ngại cho hệ tiêu hóa, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như viêm ruột mãn tính.
Do đó, việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối, giàu dưỡng chất là cần thiết để hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các tình trạng đau mãn tính.
Ai có nguy cơ bị đau mãn tính?
Đau mãn tính là cơn đau có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi nhưng phổ biến và thường gặp nhất là ở người lớn tuổi do các yếu tố tuổi tác (lão hóa) gây ra. Ngoài tuổi tác thì các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng đau mãn tính bao gồm:
- Chấn thương
- Phẫu thuật
- Nữ giới
- Thừa cân hoặc béo phì.
2. Đau mãn tính được điều trị như thế nào?
Mục tiêu chính của điều trị đau mãn tính là giảm đau và tăng cường chức năng vận động linh hoạt. Điều này giúp bạn quay trở lại công việc hàng ngày mà không cảm thấy khó chịu. Mức độ nghiêm trọng và tần suất cơn đau mãn tính là khác nhau ở mỗi người vì thế mà kế hoạch điều trị, quản lý và kiểm soát đau mãn tính cũng sẽ có sự khác biệt nhất định.
Các biện pháp điều trị y tế, thay đổi lối sống hoặc cả hai phương pháp này có thể được áp dụng nhằm điều trị chứng đau mãn tính. Cụ thể:
Thuốc giảm đau
Một số loại thuốc giảm đau có thể có hiệu quả nhằm giảm nhẹ cảm giác khó chịu cho đau mãn tính gây ra. Với thuốc giảm đau, người bệnh tuyệt đối không lạm dụng, cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ và hướng dẫn trên nhãn thuốc.
Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ, không lạm dụng thuốc. (Ảnh: Internet).
+ Thuốc giảm đau không kê đơn: bao gồm acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid như aspirin hoặc ibuprofen
+ Thuốc giảm đau opioid bao gồm morphine, codeine và hydrocodone
+ Thuốc giảm đau hỗ trợ khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật,...
Thủ thuật y khoa
Một số thủ thuật y khoa có thể được chỉ định để giảm đau mãn tính bao gồm: kỹ thuật kích thích điện chức năng, gây tê cục bộ (phong bế), châm cứu, phẫu thuật,...
Thay đổi lối sống
Một vài thay đổi lối sống có thể giúp hỗ trợ giảm chứng đau mãn tính, có thể bao gồm: vật lý trị liệu, yoga, massage, thiền,...
Nhìn chung, có nhiều cách giúp kiểm soát và giảm nhẹ cơn đau mãn tính. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra cơn đau sẽ giúp các bác sĩ có biện pháp điều trị thích hợp với từng tình trạng bệnh. Điều quan trọng là phải tuân thủ kế hoạch quản lý cơn đau khi triệu chứng xảy ra. Đừng quên ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh và giảm cảm giác căng thẳng.