Bệnh đau đầu về đêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Đau đầu về đêm có thể gây gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng tới sinh hoạt của ngày hôm sau. Đau đầu về đêm là bệnh gì? Đau đầu về đêm có chữa được không?

Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết liên quan tới đau đầu về đêm bao gồm nguyên nhân, cách đối phó và phòng ngừa hiệu quả cũng như triệu chứng cho thấy bạn cần thăm khám bác sĩ sớm.

1. Nguyên nhân đau đầu về đêm là gì?

Đau đầu vào ban đêm có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm căng thẳng, thiếu ngủ và tác dụng phụ của một số loại thuốc.

1.1. Đau đầu do căng thẳng

Hầu hết mọi người đều trải qua cơn đau đầu do căng thẳng vào một thời điểm nào đó. Mức độ đau liên quan đến chúng có thể từ nhẹ đến nặng.

Các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân chính xác của cơn đau đầu do căng thẳng nhưng chúng thường được kích hoạt bởi stress, mệt mỏi và căng cơ. Những điều này có thể xuất hiện sau khi bạn kết thúc một ngày dài.

Đối với một số người, nghiến răng cũng gây ra cơn đau đầu do căng thẳng. Nếu cơn đau đủ nặng, nó có thể làm bạn thức giấc.


Căng thẳng quá mức có thể gây đau đầu về đêm. (Ảnh: Internet).

Các dấu hiệu khác của cơn đau đầu do căng thẳng bao gồm:

  • Cảm giác đau nhức nhối hoặc bóp chặt ở đầu
  • Đau cả hai bên của đầu hoặc trán
  • Cảm giác nhạy cảm ở cổ, vai và da đầu
  • Một cảm giác như bị ép xung quanh đầu.

1.2. Đau đầu từng cơn

Đau đầu từng cơn là những cơn đau đầu dữ dội, khủng khiếp như bị "búa bổ", xảy ra theo cụm hoặc chu kỳ. Chúng có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng, với các giai đoạn thuyên giảm xen kẽ. Mặc dù đau đầu từng cơn thường xảy ra vào ban ngày, chúng cũng có thể xuất hiện vào ban đêm (khoảng vài giờ trước khi đi ngủ).

Nguyên nhân chính xác của đau đầu từng cơn chưa được hiểu đầy đủ nhưng một số nguyên nhân gây ra như uống rượu và thay đổi chu kì giấc ngủ có thể góp phần vào sự xuất hiện của chúng. Các triệu chứng khác của đau đầu từng cơn bao gồm:

  • Cảm giác đau đầu dữ dội, thường quanh một mắt
  • Đau đầu xuất hiện đi xuất hiện lại vào cùng một thời điểm trong ngày
  • Cơn đau bắt đầu ở một bên đầu nhưng lan ra ngoài
  • Đỏ, sưng, sụp hoặc chảy nước mắt ở mắt bị ảnh hưởng
  • Mũi tắc hoặc chảy nước ở một bên mũi
  • Da tái nhợt hoặc đỏ bừng
  • Khó chịu và không thể ngồi yên khi cơn đau diễn ra.

1.3. Đau nửa đầu

Đau nửa đầu là những cơn đau đầu dữ dội có thể đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh và rối loạn thị giác. Mặc dù đau nửa đầu có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, chúng có thể trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm do thay đổi chu kì giấc ngủ.

Nếu bạn không chắc liệu các triệu chứng của mình có chỉ ra bạn đang bị đau nửa đầu hay chỉ là đau đầu thông thường, hãy tìm hiểu thêm về những điểm khác biệt giữa hai loại này.

Cơn đau nửa đầu thường được kích hoạt bởi những nguyên nhân cụ thể, bao gồm:

  • Sự thay đổi hormone quanh chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ, hoặc thời kỳ mãn kinh
  • Sự thay đổi trong thời tiết và áp suất khí quyển
  • Một số loại thực phẩm và phụ gia trong thức ăn
  • Sự thay đổi trong chu kì giấc ngủ
  • Áp lực căng thẳng
  • Kích thích giác quan như mùi hương, âm thanh, hoặc ánh sáng


Đau nửa đầu có thể trầm trọng hơn vào ban đêm. (Ảnh: Internet).

Nếu bạn không chắc chắn điều gì kích hoạt cơn đau nửa đầu của mình, hãy thử ghi lại mỗi lần bạn trải qua một cơn đau. Lưu ý thời gian trong ngày, công việc bạn đang làm, điều kiện thời tiết và bất kỳ thông tin nào khác có thể giúp bạn xác định chính xác nguyên nhân. Hãy cố gắng quan sát và nhận biết những yếu tố kích hoạt này để có biện pháp đối phó thích hợp.

1.4. Hội chứng đau đầu trong giấc ngủ (Hypnic headache)

Hội chứng đau đầu trong giấc ngủ chỉ xảy ra vào ban đêm và có xu hướng xảy ra vào cùng một thời điểm. Cơn đau đầu dạng này rất hiếm gặp và thường bắt đầu sau tuổi 50 với mức độ đau có thể từ nhẹ tới nặng ở cả hai bên đầu. Các triệu chứng của hội chứng đau đầu trong giấc ngủ khác có thể kể đến như:

  • Đau đầu khiến bạn tỉnh ngủ khoảng 10 lần mỗi tháng
  • Cơn đau đầu kéo dài từ 15 phút tới 4 giờ sau khi tỉnh
  • Buồn nôn và nôn

Giống như đau đầu từng cơn thì nguyên nhân gây ra đau đầu trong giấc ngủ vẫn chưa xác định được yếu tố kích hoạt nhưng chúng đã được liên kết với hạch vùng dưới đồi, một vùng não liên quan đến cảm nhận đau và chu kỳ ngủ - thức.

1.5. Nguyên nhân khác gây đau đầu về đêm

Một số tình trạng sức khỏe có thể góp phần gây ra cơn đau đầu về đêm như ngưng thở khi ngủ, nghiến răng, huyết áp cao, bệnh lý cột sống như thoái hóa đốt sống cổ, hội chứng ống cổ tay,... Việc điều trị những tình trạng này có thể giúp làm giảm đau đầu về đêm.

1.6. Đau đầu ban đêm có phải do u não?

Trong một số trường hợp hiếm hoi đau đầu về đêm có thể cảnh báo dấu hiệu khối u não. Khối u não phát triển làm tăng áp lực nội sọ và gây ra các cơn đau đầu và mức độ đau trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Ngoài đau đầu thì khối u não có thể khiến người bệnh bị co giật, buồn nôn và nôn mửa, suy giảm thị lực và thay đổi khả năng giữ thăng bằng.

2. Làm cách nào để xác định loại đau đầu mà bạn gặp phải là gì?

Trong khi một vài loại đau đầu có những đặc điểm đặc trưng để nhận biết và chẩn đoán thì hầu hết các cơn đau đầu cần sự tư vấn từ bác sĩ. Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi để chẩn đoán dễ dàng hơn, chẳng hạn như:

  • Mức độ đau của bạn: Liệu cơn đau đầu có đánh thức bạn dậy vào ban đêm không? Chúng có khiến bạn không thể ngủ lại không? Bạn mất ngủ bao nhiêu do đau đầu? Đó có phải là cơn đau tệ nhất bạn từng trải qua không?
  • Loại đau mà bạn cảm nhận: Đau có cảm giác như đau nhức và âm ỉ? Đau nhói và sắc như dao? Bạn có cảm giác như mắt mình đang bị nóng rát không? Đau có khiến tim đập thình thịch hay ổn định?
  • Vị trí của cơn đau: Cơn đau có ảnh hưởng một bên đầu hay cả hai bên? Chỉ đau ở trán hay cả phía sau và hai bên đầu nữa không? Cơn đau có lan xuống cổ hoặc vai không? Cơn đau có tập trung quanh một mắt không?
  • Các triệu chứng đi kèm: Bạn có cảm thấy buồn nôn hoặc nôn mửa không? Bạn có cảm thấy chóng mặt hoặc nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh không?
  • Bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào: Trước khi bạn bắt đầu cơn đau đầu, bạn có triệu chứng nào không chẳng hạn như rối loạn thị giác hay thay đổi tâm trạng?


Làm cách nào để xác định loại đau đầu mà bạn gặp phải? (Ảnh: Internet).

  • Các yếu tố có thể kích thích: Bạn có nhận thấy rằng cơn đau đầu xảy ra vào những đêm mà bạn ăn một số loại thức ăn cụ thể không? Chúng có xảy ra trong thời tiết bất thường không? Các triệu chứng của bạn có xuất hiện cùng một chu kỳ trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn không?
  • Thời gian xảy ra cơn đau đầu: Chúng chỉ xảy ra khi bạn đang ngủ không? Chúng có xảy ra vào cùng một thời điểm mỗi đêm không?
  • Khoảng thời gian cơn đau kéo dài: Các cơn đau đầu này đã xảy ra bao lâu? Lần đầu tiên là khi nào? Bạn có bị đau đầu vào bất kỳ thời điểm nào khác không?
  • Những gì giúp ích hoặc không: Có điều gì làm cơn đau đầu của bạn cảm thấy dễ chịu hoặc tồi tệ hơn không?

Trong khoảng 2 tuần trước khi gặp bác sĩ, hãy ghi chép lại mọi cơn đau đầu bạn gặp phải theo các câu hỏi kể trên.

3. Đối phó với cơn đau đầu về đêm

Điều trị không kê đơn

Tùy thuộc vào loại đau đầu mà bạn đang gặp phải là gì mà phương pháp điều trị đau đầu về đêm sẽ khác nhau. Nếu bạn không chắc về loại đau đầu của mình, hãy bắt đầu với một loại thuốc giảm đau không cần kê đơn (OTC) như ibuprofen hoặc acetaminophen.

Nếu những thuốc này không giúp cơn đau đầu về đêm giảm nhẹ, bạn có thể thử một loại thuốc giảm đau có chứa aspirin và caffeine.

Caffeine cũng là một trong những phương pháp điều trị phổ biến cho cơn đau đầu trong giấc ngủ. Nếu bạn có triệu chứng của cơn đau đầu trong giấc ngủ, hãy thử uống một viên bổ sung caffeine hoặc uống một tách cà phê trước khi đi ngủ. Đối với những người thực sự bị cơn đau đầu trong giấc ngủ, điều này thường không gây ra vấn đề về giấc ngủ (khó khăn để vào giấc).

Việc bổ sung melatonin vào buổi tối cũng có thể giúp giảm cơn đau đầu trong giấc ngủ và đau đầu từng cơn. Tuy nhiên, việc bổ sung melatonin hay bất kỳ thực phẩm chức năng hoặc chất bổ sung nào đều cần tới chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn nghĩ rằng có thể bạn đang gặp cơn đau đầu do căng thẳng, bạn cũng có thể thử thêm một số kỹ thuật giảm căng thẳng vào lịch trình hàng ngày của mình. Hãy cố gắng dành ít nhất 5 đến 10 phút khi bạn về nhà từ nơi làm việc để thực hiện một số bài tập kiểm soát hơi thở hoặc yoga, thiền,...

Phần lớn việc điều trị đau đầu liên quan đến việc thực hiện những thay đổi đáng kể trong lối sống của bạn đồng thời có chiến lược về cách quản lý tình trạng của bạn một cách thực tế. Điều này có thể liên quan đến: tập thể dục thường xuyên hơn (ngay cả việc đi dạo xung quanh cũng có thể giúp giảm stress và căng cơ có liên quan tới đau đầu; đảm bảo ăn uống lành mạnh và không bỏ bữa; ngủ đủ giấc và thức dậy - đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày (vệ sinh giấc ngủ); tránh các chế độ ăn kiêng và các tác nhân gây ra đau đầu về đêm,...


Tùy vào loại đau đầu mà bạn gặp phải mà biện pháp điều trị cũng có sự khác biệt. (Ảnh: Internet).

Điều trị theo đơn

Nếu các loại thuốc giảm đau không kê đơn và phương pháp thư giãn không giúp giảm nhẹ cơn đau đầu về đêm, bác sĩ của bạn có thể kê đơn thêm điều trị.

Có một số loại thuốc uống bạn có thể sử dụng, bao gồm:

  • Triptans: Đây là những loại thuốc làm co mạch máu và chặn đường dẫn đau để điều trị đau nửa đầu. Chúng cũng có thể giúp với các cơn đau đầu mãn tính và đau đầu từng cụm.
  • Thuốc giảm đau theo đơn: Nếu bạn có cơn đau dữ dội, bác sĩ của bạn có thể gợi ý dùng một loại thuốc giảm đau mạnh hơn có chứa opioid.
  • Beta-blockers và calcium channel blockers: Những loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao, nhưng chúng cũng có thể giúp ngăn ngừa đau nửa đầu và đau đầu từng cụm.
  • Antidepressants, thuốc chống co giật, lithium, corticosteroids, indomethacin cũng có thể được chỉ định tùy theo tình trạng đau đầu.

Ngoài thuốc uống thì thuốc dạng tiêm cũng có thể đem lại tác dụng giảm cơn đau đầu về đêm, tùy từng tinh trạng mà thuốc tiêm cũng sẽ có sự khác biệt. Có thể kể đến: Botox, thuốc gây tê thân thần kinh, Octreotide, Triptans,... Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng đó là phương pháp điều trị phù hợp và an toàn cho bạn.

Đối với đau đầu về đêm do đau đầu từng cơn, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị sử dụng thuốc giảm đau gây tê dạng thuốc xịt mũi hoặc liệu pháp oxy.

Mẹo để có giấc ngủ ngon hơn

Bằng cách thực hiện tốt vệ sinh giấc ngủ mà bạn có thể ngăn chặn hoặc giảm bớt mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu về đêm. Cụ thể:

Thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm trong ngày

  • Ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi đêm
  • Tránh uống thức uống có chứa caffeine trước khi đi ngủ, trừ khi caffeine là thành phần của một biện pháp điều trị đau đầu cụ thể
  • Tránh đồ uống có cồn, hút thuốc lá trước khi đi ngủ
  • Thư giãn trước khi đi ngủ, không sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ,...

4. Khi nào bị đau đầu về đêm cần gặp bác sĩ?

Đau đầu về đêm thường không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu bạn gặp cơn đau đầu dữ dội khác với bình thường, cơn đau đầu nặng hơn ngay cả khi áp dụng các biện pháp giảm đau kèm theo những dấu hiệu dưới đây thì bạn cần gặp bác sĩ sớm:

  • Mất ý thức sau khi bị tác động vào đầu
  • Đau đầu xuất hiện rất nhanh chóng, đột ngột
  • Cảm giác đau đau đầu dữ dội bất thường
  • Đau đầu trở nên tồi tệ hơn trong vòng 14 giờ trở lên
  • Cảm giác đau đầu tồi tệ nhất mà bạn từng gặp phải
  • Nôn mửa liên tục
  • Tê hoặc yếu một bên cơ thể
  • Vấn đề về thị lực như tầm nhìn đôi hoặc nhòe
  • Đau nặng hoặc đỏ ở một bên mắt
  • Vấn đề với việc phối hợp cử động các chi
  • Mất thăng bằng, choáng váng
  • Sốt kèm theo cứng cổ
  • Khó khăn khi nhai và/hoặc nuốt
  • Các triệu chứng thần kinh, chẳng hạn như vấn đề về trí nhớ hoặc nói, rối loạn ý thức, ngất xỉu
  • Thay đổi tính cách hoặc tâm trạng.

Tóm lại, cơn đau đầu về đêm có thể xuất phát từ nhiều rối loạn và vấn đề sức khỏe khác nhau. Tùy thuộc vào mỗi loại đau đầu mà triệu chứng đau đầu về đêm sẽ có sự khác biệt. Đau đầu do căng thẳng gây ra cảm giác đau nhức và áp lực ở cả hai bên đầu. Đau đầu nửa đầu nghiêm trọng hơn khi tập trung ở một bên với các cơn đau kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh và rối loạn thị giác. Đau đầu từng cơn xuất hiện dưới dạng nhóm các cơn đau đầu nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn (theo cơn). Cuối cùng, đau đầu trong khi ngủ là những cơn đau đầu chỉ xuất hiện khi bạn đang ngủ.

Các phương pháp điều trị cho đau đầu vào ban đêm tập trung vào việc quản lý triệu chứng, ngăn chặn các cơn đau và thực hiện các thay đổi lối sống tích cực. Các loại thuốc không kê đơn và kê đơn có sẵn để giảm đau khi cơn đau đầu xuất hiện. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo vệ sinh giấc ngủ đúng cách và lành mạnh, không bỏ bữa ăn và quản lý căng thẳng cũng có thể giúp ích.

Cập nhật: 18/01/2024 PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video