Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Sustainability, New Zealand, Iceland, Vương quốc Anh, Tasmania và Ireland là những nơi tốt nhất để sinh sống trong trường hợp xã hội toàn cầu sụp đổ, Guardian đưa tin hôm 28/7.
Nghiên cứu cho biết do sự tàn phá môi trường, nguồn tài nguyên cạn kiệt và quá trình gia tăng dân số, “bức tranh về nền văn minh nhân loại đang ở trong tình trạng nguy cấp".
“Chúng tôi không ngạc nhiên khi New Zealand nằm trong danh sách này”, ông Aled Jones, chuyên gia tại Đại học Anglia Ruskin (Anh) cho biết.
New Zealand được đánh giá cao vì sở hữu nhiều điều kiện phù hợp cho cuộc sống con người nếu thảm họa xảy ra. (Ảnh: New Zealand Now).
New Zealand được cho là có tiềm năng lớn nhất để duy trì sự sống với nguồn năng lượng địa nhiệt và thủy điện, đất nông nghiệp dồi dào cùng với mật độ dân số thấp.
Theo các nhà khoa học, xã hội toàn cầu có thể đổ vỡ sau những sang chấn lớn, trong đó bao gồm khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, biến đổi khí hậu, thiên tai, hay những đại dịch trầm trọng hơn Covid-19.
Các quốc gia được đánh giá dựa trên khả năng bảo đảm lương thực, kiểm soát biên giới trước làn sóng di cư ồ ạt, duy trì lưới điện và đáp ứng khả năng sản xuất. Các quốc đảo ở những khu vực ôn đới có mật độ dân số thấp xếp đầu danh sách.
Anh lại là quốc gia gây "bất ngờ lớn". Các nhà khoa học đánh giá nước này có mật độ dân cư đông đúc, không phải là quốc gia phát triển hàng đầu về công nghệ tái tạo đồng thời chỉ có thể tự sản xuất 50% lượng thực phẩm cho người dân.
Các nhà nghiên cứu nói rằng công trình nhấn mạnh đến những yếu tố các quốc gia cần phải cải thiện để tăng khả năng phục hồi khi đối diện với thảm họa.
“Chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về khả năng phục hồi trong quá trình xây dựng kế hoạch toàn cầu. Dù vậy, điều đáng mừng là viễn cảnh sụp đổ nhanh chóng như vậy sẽ không xảy ra”, ông Jones khẳng định.