Những bức họa bí ẩn này là kết tinh của nền văn minh rực rỡ thời cổ đại. Cho đến nay, những bích họa đó đã trở thành một trong những bí ẩn lớn trong lịch sử văn minh nhân loại.
Năm 1933, Leo Frobenus, nhà Châu Phi học nổi tiếng người Đức, trong một chuyến thám hiểm đã phát hiện tại Libya, trên vách đá Fezzsan ở trung tâm sa mạc khô khát Sahara những hình vẽ trâu, voi, đà điểu, sư tử, sơn dương, dê, tê giác thậm chí cả hà mã.
Trong vùng 60km về cả hai phía của một nhánh sông khô của con sông cổ Wadi, trên những vách đá da cam sẫm rạn nứt trải dài những bức bích họa được vẽ bằng thổ hoàng và đất sét trắng.
Những nghiên cứu sau đó đã khẳng định, từ thời kì đồ đá cũ, tức khoảng 10.000 -12.000 năm trước, khi con người lần đầu tiên xuất hiện tại Bắc Phi, khí hậu ở đây ẩm ướt hơn nhiều. Sahara không phải là một hoang mạc mà là một thảo nguyên màu mỡ.
Tại đây, săn bắn chính là nguồn sống của người cổ đại. Lạc đà khi đó vẫn chưa xuất hiện tại Sahara, chúng xuất hiện muộn hơn rất nhiều, nhưng trên các con sông chảy ở nơi ngày nay là suối cạn, có cá sấu sinh sống. Những đại diện cuối cùng của loài bò sát này hiện nay sinh sống tại một hồ chứa nước nhỏ tại Hoggar ở rìa sa mạc.
Sau đó, khoảng 5-7 triệu năm sau, bắt đầu hạn hán, đất đai của Sahara mất dần độ ẩm, cỏ cây chết khô. Những loài thú ăn cỏ rồi sau đó là thú ăn thịt dần dần biến mất khỏi Sahara. Động vật phải lùi về những cánh rừng xa và những thảo nguyên của Trung Phi.
Theo sau động vật, hầu như con người đều bỏ đi, chỉ còn lại một vài người có khả năng tồn tại ở đó, nơi rất ít nước còn sót lại. Họ trở thành những người du mục.
Những hình vẽ trên vách đá trong sa mạc Sahara. (Ảnh minh họa).
Nhiều thế kỉ trôi qua, các dân tộc du mục của Sahara là những ông chủ toàn quyền của hoang mạc. Họ nắm giữ tất cả những con đường vượt sa mạc.
Theo các nhà sử học cổ đại, nhờ buôn bán muối và đá quý mà những người còn lại đã thu được rất nhiều của cải, điều này cũng được khẳng định bởi những kho Phesan mà các nhà khoa học khảo cổ người Ý tìm thấy vào những năm 1960, trong đó có rất nhiều đồ trang sức bằng vàng và các loại tiền La Mã.
Ngoài các kho báu trên, người ta còn tìm thấy nhiều hiện vật đáng chú ý trong các ngôi mộ. Tại đó, người ta phát hiện cả những chiếc cốc và đồ trang sức, lược bằng ngà voi của người Etruria, lọ hoa, chuỗi hạt của người Phoenicia và nhiều thứ khác. Tất cả những hiện vật tìm thấy càng khẳng định một điều, những người còn xót lại có những mối giao thương rộng với tất cả các dân tộc văn minh của vùng Địa Trung Hải cổ xưa.
Các nhà khoa học cho rằng đó là giai đoạn xuất hiện phần lớn những bức bích họa ở những vùng núi nhọn ở trung tâm sa mạc. Bản thân nơi đây còn có tên gọi "cao nguyên nhiều sông" khi cuộc sống còn hưng thịnh còn ở nơi này.
Qua nghiên cứu một lượng lớn những hiện vật văn hoá đó, người ta nói rằng 400 năm đến 1 vạn năm trước đây, vùng Sahara có rất nhiều bộ lạc và dân tộc sinh sống trên vùng đất màu mỡ này, và họ đã sáng tạo ra nền văn hoá phát triển cao như vậy.
Đặc trưng chủ yếu nhất của nền văn hoá ấy là mài nhẵn đá và chế tạo đồ gốm. Đó là cái mốc đánh dấu trình độ phát triển sản xuất. Trong các bích họa còn có chữ viết Sahara và chữ cổ, chứng tỏ văn hoá của họ thời đó đã phát triển đến trình độ khá cao. Hình thức và thủ pháp thể hiện của bích họa khá phức tạp, nội dung phong phú đa dạng.
Xét từ các nét vẽ thì thấy còn thô sơ, chất phác. Màu sắc được dùng là những màu của đất và các loại đá khác nhau, như màu đỏ thì lấy từ ôxit sắt, màu trắng lấy từ đất cao lanh. Các màu nâu, lam hoặc lục cũng đều được lấy từ đá trầm tích có thành phần cacbon.
Họ lấy đá các màu mài với nước làm chất màu để quét lên các bích họa. Nhờ thuỷ phân các màu đỏ thấm đẫm vào vách đá, tiếp xúc lâu dài với đá sẽ hoà với nhau thành thể đồng nhất, vì vậy nó giữ được bề mặt bích họa vẻ tươi mới lâu bền với thời gian. Trải qua mấy nghìn năm, cho đến nay màu sắc vẫn lộng lẫy tươi mới.
Đó cũng là một trong nhiều điều đặc biệt và kỳ lạ.
Năm 1933, đội kỵ binh Pháp đến sa mạc Sahara, ngẫu nhiên phát hiện thấy quần thể những bích họa dài tới mấy cây số trên vùng cao nguyên Taxiritai và Enachen. Rất nhiều trong chúng có kích thước lớn, một số cao đến cả mét. Sau đó, nhiều nhà khoa học Âu Mỹ đã lần lượt tới đó.
Năm 1956, một đội thám hiểm Pháp đã đến sa mạc Sahara và họ phát hiện tới một vạn bức bích họa. Năm sau, họ đem về Pari 11.600 thước vuông anh những bức ảnh phục chế các bích họa và các ảnh chụp đã làm xôn xao dư luận thế giới một thời.
Trong số các bức bích họa có rất nhiều người là võ sĩ hùng tráng, thể hiện lại dáng vẻ oai phong bất khả chiến bại. Có những người cầm giáo dài, lá chắn tròn, ngồi trên chiến xa dũng mãnh xông lên thể hiện cảnh tượng đi chiến đấu.
Có người cầm cung tên, thể hiện lại cảnh săn bắt. Lại có cảnh trùng lặp nhiều hình con gái tươi cười.
Có cả những người dáng bộ như đang dâng hiến, giống như vẻ đang hoan nghênh thiên thần giáng thế. Thậm chí có những bức họa nhà ở cho thấy người dân Sahara sống trong những túp lều cỏ hình bán cầu. Nhiều món đồ gốm cũng được miêu tả trong tranh.
Từ những bích họa có thể biết được: nhảy múa, săn bắn, cúng tế và nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo là những nội dung chủ yếu về phong tục tập quán của dân cư lúc bấy giờ. Rất có khả năng là những người thời đó trước hoặc sau khi chiến đấu, săn bắt, cúng tế và nhảy múa, họ đã sáng tạo bích họa để biểu thị tinh thần yêu mến cuộc sống và động viên chính mình.
Trong số các bích họa tìm thấy, hình tượng động vật là nhiều nhất. Động vật sợ hãi, bốn vó cất cao như thể bay lên. Rồi quang cảnh chạy tán loạn, rất sinh động. Nghệ thuật sáng tác rất độc đáo, có thể so sánh với bất cứ kiệt tác nghệ thuật của bất kì quốc gia nào cùng thời.
Từ những hình tượng động vật này có thể suy ra điều kiện tự nhiên của Sahara lúc bấy giờ. Như một số bích họa miêu tả người đi trên thuyền độc mộc săn bắt hà mã. Điều đáng chú ý là động vật xuất hiện trên các bức bích họa có thứ thự theo thời gian. Từ những con trâu xuất hiện sớm nhất, cho đến voi, linh dương, hươu cao cổ,… những động vật đồng cỏ ấy chứng tỏ khí hậu vùng Sahara ngày càng khô hạn.
Cho đến nay, sa mạc Sahara là một nơi ẩn chứa vô vàn những điều bí ẩn. Các nhà khoa học còn nghi ngờ rằng có một trữ lượng nước lớn, cùng phế tích của thành trì cổ đại bị vùi lấp dưới lớp cát sa mạc.Hiện tại, sa mạc Sahara là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người, với mật độ dân số tương đương 1/150 mật độ dân số của Mỹ.