Đây mới là 2 dịch bệnh đang được WHO đánh giá nguy hiểm hơn virus Corona

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện "còn quá sớm" để coi đợt bùng phát của virus Corona tại Vũ Hán, Trung Quốc lúc này là một trường hợp khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng (PHEIC).

Trước đó, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã triệu tập một ủy ban đặc biệt gồm các nhà khoa học và chuyên gia y tế cộng đồng để bỏ phiếu về virus corona mới, để xem nó đã phải là một PHEIC hay chưa.

Họ sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên để liên tục đánh giá tình hình, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính thức cho toàn bộ thế giới về dịch bệnh mới này. Nhưng cho đến nay, Tedros và ủy ban của ông vẫn tin tưởng vào những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn virus lây lan.

Đồng thời, virus Corona mới được đánh giá là ít nguy hiểm hơn SARS năm 2003, gây ra tỷ lệ tử vong thấp hơn, chủ yếu tập trung ở những người trên 75 tuổi đã mắc sẵn các bệnh mạn tính khác làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều đó có nghĩa là nó vẫn chưa thể trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Tuần tới, ủy ban của WHO sẽ họp trở lại để đánh giá lại quyết định này. Nhưng giữa thời điểm bùng phát dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc do virus corona mới gây ra, ít người biết rằng hiện trên thế giới vẫn tồn tại 2 dịch bệnh được tuyên bố là một PHEIC, đó là dịch bại liệt và Ebola.

Với tính chất kéo dài trong nhiều năm, từ những đợt bùng phát khẩn cấp cho đến tỷ lệ tử vong, quy mô và phân bổ dân số nhiễm bệnh trên toàn cầu, dịch bại liệt và Ebola hiện tại lại đang cần các nguồn lực phối hợp toàn cầu hơn virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc.

"Đó là một tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể trở thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO nói.

Ebola tái bùng phát ở Châu Phi

Theo cập nhật mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến thời điểm này, Ebola đã lây nhiễm tổng cộng 3.416 người, gây ra 2.237 ca tử vong và chỉ một phần ba số người nhiễm virus có thể sống sót.

Sự bùng phát của Ebola đã gây ra một ổ dịch được đánh giá là tồi tệ chỉ sau đợt bùng phát đầu tiên của nó ở Tây Phi kể từ năm 2014 đến năm 2016. Nhưng phải đến tháng 7 năm 2019, WHO mới tuyên bố ổ dịch này là một Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC).

Quyết định đó đã thu hút nhiều ý kiến ​​trái chiều từ các quan chức y tế công cộng: Một số người lập luận rằng việc chỉ định PHEIC đã quá hạn, trong khi những người khác chỉ ra rằng quyết định mới của WHO không còn khả năng giải quyết vấn đề lây lan của Ebola.

Xung đột đẫm máu giữa chính phủ và các nhóm phiến quân đã gây thiệt hại cho miền Đông Congo trong nhiều năm nay là yếu tố chính cản trở nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh này tái bùng phát.

Đến thời điểm gần cuối năm 2019, ngay sau khi Tổng thống Congo Félix Tshisekedi tuyên bố rằng đất nước này có khả năng chấm dứt dịch Ebola, nó lại bùng phát trở lại và gây ra một loạt các ca bệnh mới, trên cả nhân viên y tế và các bác sĩ.

Hiện tại, các chuyên gia y tế toàn cầu đã đạt tới một sự đồng thuận cho rằng giải pháp chính cho cuộc khủng hoảng Ebola ở Congo hiện nay phải là vấn đề an ninh hơn là y học.

Nhưng vẫn chưa rõ sự kết hợp giữa các lực lượng quân sự Congo, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và những lực lượng phản ứng khác có hiệu quả trong việc lấy lại niềm tin của cộng đồng địa phương hay không, đồng thời đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại đây.

Bệnh bại liệt tái xuất hiện sau khi đã bị xóa sổ

Bại liệt được đánh giá là một thành công điển hình trong nỗ lực toàn cầu giúp ngăn chặn dịch bệnh. Từ năm 1988 đến năm 2018, số ca bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh mới được báo cáo trên toàn cầu đã giảm từ 350.000 xuống chỉ còn 33.

Phần lớn sự cải thiện đó là kết quả của nỗ lực tiêm chủng toàn cầu được thực hiện nghiêm túc và triệt để. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2014, đợt tái bùng phát dịch bại liệt tại một số quốc gia trong đó có Pakistan và Syria, đã khiến WHO phải chỉ định đó là một Tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng.

PHEIC đã cho phép WHO điều hành một số khuyến cáo giúp ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, đến năm 2019, số ca nhiễm bại liệt trên toàn cầu lại tái gia tăng trở lại, lên tói 113 ca vào tháng 12.

Sự gia tăng đột biến này được đánh giá là từ nỗ lực tiêm chủng bị gián đoạn ở các vùng nông thôn Afghanistan, do hoạt động cản trở của phiến quân Taliban. Giảm tỷ lệ tiêm chủng cũng khiến cho bại liệt bùng phát trở lại tại một số ít quốc gia bao gồm cả Philippines và Trung Quốc, nơi căn bệnh này từng bị xóa sổ trước đó.

Đối với cả Ebola và bại liệt, chỉ định khẩn cấp PHEIC có lẽ sẽ chưa thể được dỡ bỏ trong thời gian sớm. Và đối với chủng virus corona mới ở Trung Quốc, các quan chức của WHO vẫn đang tiếp tục làm việc tích cực để đánh gia xem liệu liệu virus này có tiếp tục lây lan sang các quốc gia khác hay không, cùng với việc Trung Quốc có thể cần đến sự trợ giúp quốc tế hay hông để cân nhắc PHIEC.

Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh các biện pháp chặn dịch, bao gồm lệnh phong tỏa ở hơn một chục thành phố, điều động lực lượng quân y tham gia và xây dựng một bệnh viện dã chiến với quy mô 1.000 giường ở ngoại ô Vũ Hán.

Cập nhật: 31/01/2020 Theo cafef
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video