Đến bây giờ, người ta mới biết tiếng "lục cục" khi bẻ khớp đến từ đâu

Những gì chúng ta thấy là một tín hiệu cực cao trên hình ảnh siêu âm, giống như một loạt pháo hoa đã được bắn trong khớp vậy.

Tìm ra được tiếng "lục cục" khi bẻ khớp tay

Có bao giờ bạn tự hỏi những tiếng kêu nghe thấy mỗi lần bẻ khớp tay đến từ đâu? Đó có phải là tiếng những đầu xương chạm vào nhau, các gân bị kéo căng rồi đột nhiên bật lại hay là những bong bóng khí bị vỡ trong chất hoạt dịch? Để khám phá điều này, các nhà khoa học đã phải sử dụng đến cả máy siêu âm và cộng hưởng từ. Vậy mà họ vẫn chưa chấm dứt được những tranh cãi đã kéo dài hàng thập kỉ về tiếng "lục cục" bí ẩn.


Tiếng "lục cục" khi bẻ khớp đến từ đâu?

Tháng 4, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Alberta xuất bản một bài báo khoa học giải thích rằng tiếng "lục cục" của khớp bắt nguồn từ những bong bóng khí bị vỡ. Chúng là những bong bóng tồn tại trong chất hoạt dịch lỏng bao quanh khớp. Tuy nhiên, bởi kỹ thuật siêu âm đơn giản và nhanh hơn gấp 100 lần cộng hưởng từ, một nhóm các nhà khoa học khác quyết định sử dụng nó để kiểm chứng sâu hơn vấn đề.

Được dẫn dắt bởi Robert D. Boutin, một bác sĩ chuyên khoa chuẩn đoán hình ảnh đang làm việc tại Đại học California, Davis, các nhà nghiên cứu trong nhóm tuyển chọn 40 tình nguyện viên tham gia khảo sát. 30 người trong số họ thường xuyên bẻ khớp tay, 10 người còn lại không có thói quen này. Thậm chí, một tình nguyện viên lớn tuổi trong đó thừa nhận ông đã bẻ khớp tay khoảng 20 lần mỗi ngày trong suốt 40 năm.

Các tình nguyện viên được yêu cầu bẻ khớp metacarpophalangeal (MPJ) trên bàn tay của họ. Đây chính là khớp nằm ở nơi hợp nhất các ngón tay với bàn tay. Trong khi đó, các bác sĩ đặt một máy siêu âm và một máy ghi âm để theo dõi hình ảnh và âm thanh tương ứng của mỗi cú bẻ khớp. 400 lượt thí nghiệm đã được ghi lại.

Trong khi các nhà nghiên cứu chờ đợi một hình ảnh với độ phân giải thời gian cao gấp 10 lần máy cộng hưởng từ, kết quả cuối cùng lại quá bất ngờ. "Những gì chúng tôi thấy là một tín hiệu cực cao trên hình ảnh siêu âm, giống như một loạt pháo hoa đã được bắn trong khớp vậy", Boutin nói.

Các tín hiệu này trùng khớp với những âm thanh "lục cục" mà khớp tạo ra. Và vì vậy, bằng hình ảnh siêu âm, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán chính xác 94% các khớp có thể tạo ra tiếng động và khớp nào không. Boutin giải thích trên tờ Metro:

"Đã có một số lý thuyết không thống nhất giải thích về những gì xảy ra khi chúng ta bẻ khớp trong suốt nhiều năm qua. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các tiếng động có liên quan đến những tín hiệu cao bất thường trong hình ảnh siêu âm. Điều đó ủng hộ giả thuyết nó là hậu quả của việc thay đổi áp lực và những bong bóng khí trong khớp".


Những bong bóng khí bên trong chất hoạt dịch của khớp.

Ra là như vậy, nhưng có vẻ mọi chuyện chưa kết thúc. Trong khi tiếng "lục cục" của khớp được nhiều nhà khoa học thừa nhận có liên quan đến những bong bóng khí bên trong chất hoạt dịch, họ tiếp tục tranh cãi về việc những bong bóng đã đến trước hay sau tiếng động.

Trở lại năm 1947, đã có một bài báo khoa học nói rằng tiếng "lục cục" của khớp đến từ việc một bong bóng khí hình thành bên trong chất hoạt dịch. Giả thuyết này 30 năm sau bị bác bỏ và các nhà khoa học khi đó tin rằng tiếng động đến từ những bong bóng bị vỡ.

Thí nghiệm trong tháng 4 của các nhà khoa học thuộc Đại học Alberta khẳng định lại giả thuyết các bong bóng phát nổ. Tuy nhiên, một bằng chứng thuyết phục vẫn chưa được ghi nhận. Tóm lại, tiếng "lục cục" đến từ việc bong bóng khí hình thành hay phát nổ?

"Đó là một câu hỏi nhạy cảm và khó có thể trả lời", Boutin nói. "Tôi chỉ có thể nói rằng những tín hiệu đột biến trên hình ảnh siêu âm luôn đến sau khi chúng ta nghe thấy tiếng động. Không hề có trường hợp ngoại lệ. Có lẽ đó lại là bằng chứng hỗ trợ giả thuyết các bong bóng hình thành, không phải là chúng bị vỡ".

Mặc dù vẫn còn tranh cãi xung quanh chuyện những bong bóng khí, các nhà khoa học đều thống nhất với nhau về một khía cạnh khác. Họ khẳng định rằng không hề có một tín hiệu nào cho thấy những khu sưng tấy, đau hoặc bị tổn thương bên trong khớp khi chúng ta bẻ chúng "lục cục". Không có sự khác biệt về tình trạng khớp giữa những người thường xuyên bẻ chúng 20 lần mỗi ngày với 10 người không có thói quen còn lại.

Kết quả cũng được đối chiếu với một nghiên cứu khác của một bác sĩ tại California. Donald Unger, ông đã dành tới 60 năm để bẻ một bên khớp tay thường xuyên và để nguyên bên còn lại. Kết quả nhận lại là không có một sự khác biệt nào giữa hai tay khi ông làm điều đó. Tuy nhiên, nỗ lực lại mang về cho ông một giải Ig Nobel.


Donald Unger, chủ nhân giải Ig Nobel đã bẻ khớp một bên tay suốt 60 năm.

Mặc dù nhiều bằng chứng được đưa ra về sự vô hại của bẻ khớp, Boutin vẫn thận trọng trong kết luận của mình. Anh nói cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để thực sự xác nhận rằng bẻ khớp mỗi ngày không gây những tổn hại cho hệ thống. Tuy nhiên, anh cũng thể hiện sự kỳ vọng vào một kết quả ngược lại. "Sau mỗi lần bẻ khớp, phạm vi chuyển động của chúng gia tăng đáng kể. Biết đâu đó lại là một thói quen tốt".

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video