Đèn chiếu sáng "ép" cây lớn nhanh, giảm nửa tiền điện

Các nhà khoa học Việt đã nghiên cứu, chế tạo loại bột huỳnh quang chuyên dùng trong nuôi cấy mô, giúp cây khỏe, không bị dị tật.

Ở Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp (Quảng Ninh) chuyên sản xuất cây giống các loại bằng phương pháp nuôi cấy mô, sử dụng 100% ánh sáng nhân tạo, thời gian chiếu sáng dài 16/24 giờ.

Trước đây chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang HQ T10-40W, cây vẫn phát triển nhưng tỉ lệ đồng đều không cao. Nay toàn bộ dàn chiếu sáng được thay bằng đèn HQ NN B/R, thử nghiệm trên cây ba kích, lan hồ điệp.


Cây nuôi cấy mô phải sử dụng hoàn toàn ánh sáng nhân tạo.

Với cây ba kích, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với dàn đèn cũ. Trước đây khi nuôi trong dàn đèn cũ, 30 ngày cây có chiều cao trung bình 10,53cm. Sử dụng dàn đèn mới, 24 ngày cây phát triển chiều cao tương đương. Cây mô nuôi dưới dàn đèn mới cho thân mập, khỏe, lá to đều, không bị dị tật.

Cây lan hồ điệp, khi nuôi dưới dàn đèn cũ thường phát triển không đều, lá dài và xấu, chất lượng cây trung bình. Dưới dàn đèn mới cây phát triển tốt hơn, lá xanh, to tròn và cây khỏe hơn.

ThS Ngô Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp cho biết, do dàn đèn mới có cường độ chiếu sáng mạnh hơn, ánh sáng tập trung nên cây hướng sáng mạnh, mọc cao, thẳng, phát triển mạnh ở ngọn. Ánh sáng của dàn đèn mới khuếch tán đều xung quanh bình nuôi cấy nên lá ở lớp dưới của cây nuôi có khả năng quang hợp, hô hấp tốt hơn so với dàn đèn cũ.

"Đèn HQ NN B/R tiết kiệm điện năng, giảm một nửa chi phí tiền điện so với trước đây nên chúng tôi chọn đây là giải pháp thay thế cho phòng thí nghiệm nuôi cấy mô hiện nay", bà Nguyệt nói.

Đèn HQ NN B/R là kết quả từ đề tài nhánh, nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo bột huỳnh quang 3 thành phần có phổ phát xạ phù hợp trong nuôi cấy mô, được Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ (Đại học Bách khoa) chủ trì, thuộc đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp".


Đèn chiếu sáng phổ phù hợp cây sẽ khỏe, đồng đều hơn. (Ảnh: PH).

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, chủ nhiệm đề tài cho biết, thực tế canh tác đặt ra nhu cầu chế tạo các loại đèn chuyên dụng để chiếu sáng trong các phòng nuôi cấy mô và điều khiển ra hoa cây hoa cúc, thanh long có phổ ánh sáng phù hợp với phổ hấp phụ Chlorophyll, phytochrome. Vấn đề này là hoàn toàn mới mẻ chưa từng được nghiên cứu ở Việt Nam.

Thông qua Chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia đến 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông chủ trì, cùng với các cơ quan nghiên cứu chế tạo được hơn 20 loại bột huỳnh quang để sản xuất đèn chuyên dụng cho nuôi cấy mô, hoa cúc và thanh long.

Sản phẩm từ đề tài này hiện được áp dụng vào thực tế tại nhiều mô hình ở Hà Nội, Đà Lạt, Quảng Ninh, TPHCM, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thăng cho biết, các nhà khoa học đã xây dựng quy trình công nghệ và chế tạo hơn 20 loại bột huỳnh quang khác nhau ứng dụng chế tạo đèn chuyên dụng cho nuôi cấy mô, hoa cúc và thanh long. Các quy trình công nghệ đã được lặp lại, có độ tin cậy cao đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp.

Cập nhật: 21/11/2018 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video