Mỗi bước đi được xem như quá trình "lập trình" trước: nhấc chân lên, quyết định điểm đích, và nếu không có thứ gì chuyển động trên mặt đất, thì hạ chân xuống. Các nhà khoa học vốn cho rằng quá trình này không cần thị giác tham gia, nhưng nghiên cứu mới chứng tỏ điều ngược lại.
Trước kia, các nhà khoa học cho rằng việc nhìn bao quát mặt đất chỉ được thực hiện trong khâu "lên kế hoạch" cho mỗi bước chân, chứ không cần thiết trong việc theo dõi tiến trình diễn ra của bước chân đó. Nhưng Raymond Reynolds, ở Viện Thần kinh học, Queen Square, London và cộng sự đã chứng minh rằng: thị giác không chỉ có mặt ở khâu "lập trình", mà còn tham gia điều khiển bước chân nữa.
Nhóm đã tìm hiểu xem người ta đặt chân như thế nào xuống đích trong quá trình bước đi. Trong một nửa thí nghiệm, họ "khóa" tầm nhìn của người tham gia khi những người này nhấc chân lên khỏi mặt đất. Kết quả là người thí nghiệm thả chân trượt ra khỏi mục tiêu. Nhưng khi thị giác được phục hồi, việc đặt chân xuống đất lại trở lại chính xác.
Hậu quả có thể của việc bước hụt, tất nhiên, là một cú ngã. Các nhà khoa học hy vọng rằng bằng cách hiểu được những gì kiểm soát hành động bước đi cơ bản, họ có thể biết rõ hơn sự sai lệch của con người.
"Điều quan trọng là khi biết những người khoẻ mạnh kiểm soát bước chân như thế nào, chúng ta có thể hiểu điều gì đã trục trặc ở những người bị rối loạn thần kinh, khiến cho họ bị ngã", Revnolds nói.