Cứ 5 cây đang tồn tại trên hành tinh thì một cây có thể biến mất vĩnh viễn trong tương lai, các nhà khoa học Anh cảnh báo.
Ảnh minh họa: mooseyscountrygarden.com.
Livescience cho biết, các nhà khoa học của Vườn sinh học hoàng gia Kew tại Anh cùng hàng trăm nhà khoa học trên thế giới sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá tình trạng của hàng nghìn loài thực vật.
Kết quả cho thấy, 22% trong số 380.000 loài thực vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Báo cáo nghiên cứu khẳng định nguy cơ tuyệt chủng của thực vật cao hơn loài chim, và mức độ dễ bị tổn thương ngang với các loài thú có vú. Cây hạt trần là nhóm thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn cả, còn sinh cảnh bị đe dọa nhiều nhất là rừng nhiệt đới.
“Nghiên cứu này khẳng định điều chúng ta nghi ngại, đó là sự tồn tại của các loài thực vật đang bị đe dọa mà nguyên nhân chính là bởi mất môi trường sống do tác động của con người”, Stephen Hopper, giám đốc Vườn sinh học hoàng gia Kew, phát biểu.
Các nhà khoa học xác định môi trường sống của thực vật biến mất là do con người chuyển đổi đất đai sang phục vụ mục đích nông nghiệp và chăn nuôi.
Hopper cho rằng các nhà sinh học cần có dữ liệu chính xác để họ có thể́ tìm ra lý do và đánh giá tốc độ biến mất của các loài thực vật. Nhờ vậy giới khoahọc có thể đưa ra giải pháp để cứu chúng.