Các nhà nghiên cứu tìm thấy một vực thẳm bên dưới sông băng Denman nằm ở 3,5km bên dưới mực nước biển, chỉ kém độ sâu của các rãnh đại dương.
Vùng lõm Denman. (Ảnh: BBC).
Nhóm nghiên cứu phát hiện vực băng qua dự án lập bản đồ chi tiết nhất về lớp đất bên dưới Nam Cực. BedMachine là bản đồ địa hình Nam Cực hiển thị các đỉnh, rãnh và sườn dốc. Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là các nhà băng hà học ở Đại học California, Irvine, lập bản đồ dựa vào dữ liệu trong hơn 40 năm từ 19 viện nghiên cứu. Cả nhóm cũng sử dụng ảnh radar và vệ tinh để tính toán độ dày của băng và lớp đất bên dưới trên diện tích lớn.
Bản đồ và phát hiện kèm theo được công bố trên tạp chí Nature Geoscience. Mathieu Morlighem, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận ra nếu muốn lập mô hình dải băng chuẩn hơn, họ cần bản đồ tốt hơn về nền đá bên dưới. Sau đó, Morlighem nghĩ ra kỹ thuật mới để quan sát đất dưới lớp băng, dùng dữ liệu vệ tinh về những thay đổi bề mặt, lượng tuyết tích tụ, dữ liệu radar.
"Thách thức lớn nhất là Nam Cực quá rộng, lớn hơn cả Mỹ và Mexico gộp lại, vì vậy áp dụng phương pháp này cho toàn bộ vùng ven biển rất tốn thời gian. Chúng tôi mất 5 năm để cho ra đời BedMachine", Morlighem chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bản đồ, nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu những đặc điểm chưa từng được biết tới trước đây của đất liền bên dưới lớp băng. Một bất ngờ lớn đối với họ là vùng lõm của sông băng Denman. Nhờ kỹ thuật mới, các nhà nghiên cứu có thể tính toán vùng lõm Denman sâu 3,5km so với mực nước biển, lập kỷ lục điểm sâu nhất trên đất liền. Vùng lõm này dài khoảng 100km và rộng 20km. Để so sánh, điểm sâu nhất trên Trái Đất là mũi Challenger Deep ở rãnh Mariana tại Thái Bình Dương với độ sâu gần 11km.