Sau hơn 10 năm thực hiện Công ước quốc tế về đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có 126 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích trên 2,5 triệu hécta, tăng 28% so với trước khi tham gia công ước.
Tại cuộc hội thảo đánh giá việc thực hiện Công ước đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội ngày 23/11, Cục Bảo vệ môi trường cho biết tỷ lệ đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học hiện chiếm 20-30% tổng đầu tư cho lĩnh vực môi trường.
Tuy nhiên, chất lượng đầu tư bảo tồn chưa cao. Hiện Việt Nam chưa có khu bảo tồn biển nào và mới có chỉ có 2 khu bảo tồn sinh thái đất ngập nước. Các hệ sinh thái bị suy thoái cũng chưa được phục hồi một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam năm 2005 chủ đề về đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) cũng mới được công bố hôm qua (24/11). Báo cáo cho thấy gần 700 loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp quốc gia, trong đó có trên 300 loài bị đe dọa tuyệt chủng cấp độ toàn cầu, 49 loài bị đe dọa toàn cầu tại Việt Nam thuộc loại “cực kỳ nguy cấp”.
Báo cáo khẳng định nếu với xu hướng tiếp diễn như hiện nay, trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam có thể sẽ phải chứng kiến một làn sóng tuyệt chủng đối với một số loài động, thực vật hoang dã ở mức độ chưa từng thấy trong lịch sử, kèm theo các tác hại tiềm tàng về môi trường và kinh tế