Diệt ốc bươu vàng bằng thuốc chế từ cây cỏ

Từ một số loài cây sẵn có ở VN, Viện Bảo vệ Thực vật đã tạo ra chế phẩm diệt ốc bươu vàng với hiệu lực cao, lại không độc với môi trường.

Ốc bươu vàng chết tại Lạng Sơn sau khi rắc thuốc thảo mộc (Ảnh: TTO)
Theo TS Nguyễn Trường Thành, trưởng nhóm nghiên cứu, để làm ra các loại thuốc thảo mộc trừ ốc bươu vàng nói trên, các thành viên trong nhóm đã tiến hành nghiên cứu khoảng 28 loại cây có độc tính trừ ốc bươu vàng. Từ đó, họ tạo ra 40 loại chế phẩm rồi thử hiệu lực trừ loài sinh vật gây dịch hại này.

Qua nhiều thí nghiệm trong chậu vại cũng như ngoài đồng ruộng, sau ba năm các nhà nghiên cứu đã chọn lọc và hỗn hợp tạo ra hai sản phẩm (BOURBO 8.3 BR và TICTACK 13.2 BR dạng bột khô và CH-01 dạng nước chiết). Nguyên liệu để sản xuất là cây sở, cây chẩu và cây thàn mát, có thể khai thác ở VN đủ để đáp ứng cho sản xuất lớn.

TS Thành cho biết ba chế phẩm trên đã được sử dụng trên diện rộng tại Đồng Tháp và Lạng Sơn - nơi mật độ ốc bươu vàng ở một số huyện như Hữu Lũng, Thanh Bình lên tới 100-200 con/m2.

Kết quả cho thấy sau 2 - ngày rắc thuốc, hiệu quả diệt ốc bươu vàng của các chế phẩm trên ruộng lúa đạt 79-92%, không gây chết cá và các động vật thủy sinh khác. Ngoài ra, các hoạt chất trong chế phẩm phân hủy sau khoảng vài ngày nên càng an toàn cho việc sản xuất các nông sản sạch.

Mỗi vụ nông dân chỉ cần dùng một trong ba chế phẩm này để xử lý đồng ruộng, ao hồ nhiễm ốc bươu vàng một lần trước hoặc ngay sau khi gieo cấy. Việc sử dụng thuốc rất đơn giản, có thể trộn lẫn với phân bón hoặc rắc bình thường trên đồng ruộng. Liều lượng sử dụng mỗi lần là 10-20kg/ha với chi phí 160.000-200.000 đ, thấp hơn so với sử dụng thuốc hoá học. Hơn nữa, các chế phẩm trên cũng rất dễ bảo quản.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặc cách cho phép sản xuất và sử dụng các chế phẩm này trên toàn quốc để diệt ốc bươu vàng.

Dự kiến Viện Bảo vệ sẽ sản xuất khoảng 100 tấn TICTACK 13.2 BR trong năm nay và đang chuẩn bị chuyển giao công nghệ này để sản xuất chế phẩm trên quy mô lớn.

Được biết ở VN hiện ốc bươu vàng gây hại thường xuyên trên diện tích khoảng 150-250 ngàn ha, chủ yếu trên các vùng lúa gieo thẳng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết nông dân sử dụng biện pháp thủ công là bắt bằng tay.

Trong khi đó, các loại thuốc hoá học trừ sâu rầy dùng diệt ốc bươu vàng được sử dụng không nhiều do giá cao và hiệu quả không ổn định, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.

Thuốc trừ ốc bươu vàng chứa hoạt chất Niclosamite có hiệu quả cao song rất độc với cá và động vật thủy sinh. Endosulfan - thuốc clor hữu cơ đã bị cấm sử dụng ở VN do rất độc với cá và động vật thủy sinh nhưng lại được nông dân sử dụng rộng rãi nhất do giá rẻ lại diệt trừ được một số sâu hại khác.

Theo VietNamNet, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video