Đến năm 2020, 3 loài sinh vật ngoại lai xâm hại nghiêm trọng là ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây Mai dương (Mimosa pigra) và cây Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha) phải được kiểm soát và diệt trừ trên toàn quốc.
Đó là một trong những nội dung chính của Đề án Ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký Quyết định Phê duyệt.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ ngành khác phối hợp thực hiện đánh giá, lựa chọn các giải pháp kiểm soát, xây dựng mô hình và áp dụng thử nghiệm các biện pháp diệt trừ ốc bươu vàng, cây Mai dương và cây Trinh nữ móc.
Ngoài ra, Quyết định cũng giao Bộ Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ KH&CN và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ ngành khác phối hợp thực hiện đến năm 2018 hoàn thành xây dựng khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai. Bao gồm nghiên cứu áp dụng các biện pháp quy trình đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai đối với môi trường và đa dụng sinh học, rà soát, lập danh mục các cơ sở khảo nghiệm, đánh giá các loài có nguy cơ xâm hại nhập khẩu vào Việt Nam…
Sự lan rộng của sinh vật ngoại lai xâm hại hiện nay được ghi nhận như là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sinh thái và nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, sinh vật ngoại lai xâm hại đang gây ra những thiệt hại to lớn cho đa dạng sinh học và các hệ sinh thái nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị.
Chỉ tính riêng Ốc bươu vàng, mỗi năm cả nước có khoảng 1000 ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại rất nặng, khiến nông dân phải gieo cấy lại nhiều lần; 22.000 ha bị hại nặng nông dân phải cấy dặm lại từ 1-2 lần và trên 200.000 ha bị hại trung bình- nhẹ, nông dân phải cấy dặm lại thành từng ô nhỏ. Ngoài cây lúa, ốc bươu vàng còn trực tiếp hại rau muống, khoai sọ và nhiều cây trồng khác.