​Diệt ung thư từ trứng nước

Các nhà khoa học đang nghiên cứu những phương pháp hoàn toàn mới giúp chống lại bệnh ung thư ở thời điểm tế bào còn chưa phát triển.

Từ trước đến nay, các nhà khoa học chủ yếu tìm cách đương đầu với ung thư nhưng chưa thực sự tìm hiểu quá trình các tế bào này nhen nhóm trong cơ thể ra sao. Trong tương lai, phòng ngừa và điều trị ung thư sẽ diễn ra song song và tích cực như nhau, chứ không chỉ tập trung vào việc chữa trị khi khối u đã phát triển ở mức nhất định.

Ngăn ngừa hay chữa trị?

Gần đây, các nhà nghiên cứu bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu cách chữa ung thư từ trước đến nay là đúng hay sai? Thông thường, các bác sĩ vẫn chờ đến khi một khối u phát triển đủ to mới tìm cách tiêu diệt. Tuy nhiên, cách làm này không thực sự hiệu quả bởi tế bào ung thư có xu hướng kháng lại các loại thuốc.

Trả lời cho câu hỏi này, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp mới nhằm ngăn chặn ung thư ngay từ khi phát hiện thấy nguy cơ, hoặc ở thời điểm khối u còn rất nhỏ.

"Liệu chúng ta có thể can thiệp đủ sớm để thay đổi tình hình, ngăn ngừa một thứ gì đó đang tiến triển dần thành ung thư không?", bác sĩ chuyên khoa Matthew Yurgelun thuộc Viện ung thư Dana-Farber nói.

Nhìn chung, phương pháp vừa được công bố không hoàn toàn mới vì từng được các nhà nghiên cứu cân nhắc trong quá trình tìm cách chữa bệnh ung thư trước đó. Bằng chứng là hiện nay, chúng ta vẫn thường được khuyên không hút thuốc, siêng tập thể dục, tránh ánh nắng gắt...để giảm nguy cơ ung thư.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào miễn dịch có thể giúp ngăn ngừa khối u ác tính phát triển trong một thời gian nhất định, cho đến khi các khối u này đủ lớn và cơ thể không còn sức chống trả.


Các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn cách hệ thống miễn dịch chống lại ung thư ở giai đoạn sớm.

Gần đây, các loại thuốc như Keytruda hay Yervoy còn giúp đánh bật được nhiều bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Tuy chỉ có tác dụng trên một số loại ung thư nhất định và cũng mới được dùng ở một số ít bệnh nhân, nhưng điều này cho thấy kích thích hệ thống miễn dịch một cách phù hợp sẽ mang lại tác dụng tích cực.

Nhiều hy vọng mới

Theo giáo sư y khoa Paul Limburg, những năm sắp tới là thời điểm lý tưởng nhất để các nhà nghiên cứu tìm hiểu những điều mới lạ trong lĩnh vực phòng chống ung thư.

Dựa vào kết quả khả quan trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu hơn cách hệ thống miễn dịch chống lại ung thư ở giai đoạn sớm.

Một trong những phương pháp có nhiều hứa hẹn là tiêm phòng vắc-xin ngừa ung thư. Bất chấp những thất bại trong quá khứ, một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 1.200 dự án về vắc-xin chống ung thư đang được phát triển tại các phòng nghiên cứu, bao gồm cả vắc-xin ngừa và vắc-xin trị liệu.

Tại Mạng lưới Phòng chống ung thư (Mỹ), các nhà khoa học đang nghiên cứu loại vắc-xin ngừa ung thư ruột kết. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại trường đại học Washington cũng vừa kết thúc bước đầu tiên trong quy trình chế vắc-xin chống ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ mắc cao.

Các vắc-xin thế hệ mới này dự kiến sẽ tốt và hiệu quả hơn nhiều so với trước kia bởi các nhà khoa học tập trung phân tích chuỗi dữ liệu trong hệ gen. Điều này giúp dự đoán cách thức các khối u thay đổi trong quá trình phát triển. Ngoài ra, các vắc-xin mới này cũng sẽ có tác dụng kích thích hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ nhằm ngăn ngừa ung thư tối đa.

Trong tương lai, một người có nguy cơ bị ung thư cao (do di truyền hoặc do lối sống) sẽ trải qua quá trình phân tích tế bào trong cơ thể. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vắc-xin chống loại ung thư mà họ có thể mắc. Bên cạnh đó, họ cũng có thể được cho uống loại thuốc đặc biệt giúp kích hoạt hệ miễn dịch chống lại ung thư. Nếu các bước này đều thành công, người bệnh coi như thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" một cách ngoạn mục.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các nhà khoa học cũng tập trung vào việc dự đoán cách thức một khối u phát triển, từ đó tìm ra cách ngăn chặn hiệu quả hơn.

Trước đây, nhiều người cho rằng sử dụng aspirin có thể giúp ngăn ngừa ung thư ruột kết. Nếu sử dụng mỗi ngày trong vòng 10 năm liên tiếp, aspirin có thể giúp giảm nguy cơ mắc loại ung thư này đến 30%. Tuy nhiên, cách ngừa ung thư này không được phổ biến rộng rãi vì không phải người nào cũng đáp ứng tốt.

Dự kiến trong năm 2017 sẽ có hai nghiên cứu công bố kết quả chính thức về tác dụng của aspirin đối với việc ngừa ung thư, từ đó trả lời câu hỏi những đối tượng nào nên và không nên uống aspirin để ngừa bệnh.

Một số nghiên cứu khác tập trung vào tìm hiểu liệu các liệu pháp nhắm trúng đích hoặc thuốc miễn dịch có thể giúp ngăn ngừa ung thư phát triển hay không.

Cập nhật: 02/02/2017 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video