Trong các ngày lễ, ngày hội, kỷ niệm... mọi người thường có hoạt động thả thật nhiều bóng bay lên trời, trông thật đẹp mắt và vui vẻ. Tuy nhiên, ít người đặt câu hỏi, sau khi bay lên trời thì bóng bay sẽ biến đi đâu. Chắc đa số mọi người sẽ chẳng quan tâm và để ý, chỉ thấy chúng bay lên trời và biến mất.
Thả bóng bay lên trời.
Bóng bay thường được bơm khí Hê li (He, Helium), Hê li là khí nhẹ hơn không khí nên bóng bay sẽ bay lên cao, giống như khi ta thả một miếng gỗ vào trong nước, miếng gỗ sẽ nổi lên, dù có ấn xuống thì miếng gỗ cũng tự nổi lên. Càng lên cao, không khí càng loãng, áp suất khí quyển giảm, nên quả bóng ngày càng giãn to ra. Tùy thuộc vào độ bền và độ dai của cao su nên khi lên đến một độ cao nhất định quả bóng sẽ bị vỡ và rơi xuống đất.
Nếu như chất liệu làm quả bóng tốt, bóng có thể bay cao đến khoảng 10km, ở độ cao này không khí rất lạnh, làm cho cao su mất tính đàn hồi. Áp lực bên trong quả bóng sẽ làm bóng bị vỡ vụn ra thành rất nhiều mảnh nhỏ, có thể rơi xuống đất hoặc bay rất xa thành bụi trong không khí.
Tùy thuộc vào chất liệu, độ bền của quả bóng mà bóng bay có thể bay cao từ 400m đến khoảng 11km rồi bị vỡ và rơi xuống. Chính điều này, sẽ làm ô nhiễm môi trường.
Một con chim ăn quả bóng bay vì tưởng nhầm là thức ăn.
Nguy cơ lớn nhất của các quả bóng khi rơi xuống đất là gây ô nhiễm môi trường. Các động vật ở trên cạn và dưới nước có thể tưởng nhầm là thức ăn và ăn chúng, gây nguy hại cho các động vật tự nhiên. Ngoài ra, việc thả bóng bay có thể gây mất an toàn với ngành hàng không hay bóng bay bay vào các đường dây điện có thể gây cháy nổ, chập điện
Ngoài ra, việc thả một lượng lớn bóng bay cũng gây lãng phí và tốn kém, đặc biệt là khí Hê li bị thất thoát một cách rất lãng phí. Chính vì vậy chúng ta nên cân nhắc việc sử dụng bóng bay trong các lễ hội.