Năm ngoái, các nhà khoa học đã thành công khi điều khiển đường đi của con gián sống bằng cách kích thích lên râu và các cơ quan cảm giác của nó. Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KAIST) đã thành công khi kiểm soát từ xa đường đi của loài rùa.
Giống như hầu hết các loài sinh vật, rùa biết cách thay đổi đường đi để tránh chướng ngại vật. Các nhà khoa học đã dựa trên yếu tố này để tác động lên 4 cá thể rùa tai đỏ chưa từng qua "đào tạo". Mỗi lần thử nghiệm là 10 phút, mỗi con rùa được gắn trên mai một động cơ servo, thông qua đó các nhà khoa học sẽ điều khiển nó từ xa mà không cần dây nhợ lằng nhằng. Con rùa sẽ bắt đầu đi về phía trước trên sàn phòng thí nghiệm, thiết bị trên người nó sẽ tạo ra điểm mù, chắn tầm nhìn về một phía. Rùa sẽ tự động di chuyển theo hướng ngược lại để tránh rào cản mà nó nhận ra. Với camera gắn phía trên để theo dõi từng con rùa và xoay điểm mù về phía bên này hoặc bên kia, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng có thể điều khiển rùa đi theo cung đường đã định.
Dự án này được thực hiện nhằm điều khiển động vật dù chưa qua đào tạo vẫn có thể được kiểm soát thông qua các thiết bị không xâm lấn. Động vật được điều khiển để trinh sát, thăm dò, cứu hộ...
Theo Gizmag thì bước nghiên cứu kế tiếp là thu nhỏ kích thước thiết bị và ứng dụng trên một loạt động vật khác về hành vi trong thế giới thực.