Gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc lại rộ lên trào lưu chữa bệnh ung thư bằng liệu pháp proton.
Theo ghi nhận của Tạp chí Technology Review của đại học MIT, sử dụng liệu pháp proton - một hình thức có độ chính xác cao của xạ trị - để điều trị bệnh ung thư cho giới nhà giàu đang "bùng nổ" tại Trung Quốc. Từ chỗ không có cơ sở nào hỗ trợ phương pháp điều trị này, đến nay tại Trung Quốc đã có trên dưới 43 dự án, trung tâm hỗ trợ điều trị bằng liệu pháp proton mọc lên.
Đến nay tại Trung Quốc đã có trên dưới 43 dự án, trung tâm hỗ trợ điều trị bằng liệu pháp proton mọc lên.
Zeng Xianwen, một chuyên gia trị ung thư bằng bức xạ - người có 60 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này nói rằng liệu pháp proton là một phương pháp điều trị tích cực nhưng cảnh báo rằng đây không phải là phương pháp điều trị tuyệt đối với các bệnh nhân ung thư.
Những người ủng hộ cho rằng việc chiếu các chùm sáng proton là tốt hơn so với phương pháp xạ trị thông thường sử dụng tia X vì proton chuyển tải hầu hết năng lượng của nó lên khối u và ít huỷ hoại các mô mạnh khỏe ở xung quanh. Các nhà nghiên cứu (bao gồm cả ông Zeng) đang tìm cách cải thiện hơn nữa phương pháp điều trị này bằng cách giảm thiểu sự tác động lên da và các mô khác nơi bức xạ đi qua trước khi tiếp cận khối u.
Tuy nhiên, những nghiên cứu về proton hiện nay vẫn còn rất hạn chế và các nhà khoa học cho rằng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực này. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2014 về những trẻ em sống sót khi bị mắc khối u ở não ủng hộ ý kiến cho rằng liệu pháp proton có thể làm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tốt hơn khi so sánh với kết quả của xạ trị thông thường. Liệu pháp này hứa hẹn mang đến kết quả tốt trong điều trị khối u não ở trẻ em, bệnh ung thư vú, ung thư cổ và ung thư phổi. Nhưng những nghiên cứu này lại dựa trên cơ sở dữ liệu khá hạn chế và các tác giả của nó nói rằng kết luận cuối cùng có thể khác khi họ thu thập và đánh giá được nhiều số liệu hơn.
Xây dựng các trung tâm điều trị proton đắt hơn gấp nhiều lần so với các phòng chiếu xạ thông thường.
Xây dựng các trung tâm điều trị proton đắt hơn gấp nhiều lần so với các phòng chiếu xạ thông thường. Các chuyên gia nói rằng phải tốn hàng trăm triệu USD để xây dựng một trung tâm như vậy. Thậm chí, một hệ thống nhỏ gọn nhất cũng có thể ngốn số tiền từ 25 đến 30 triệu USD.
Thay vì xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng y tế, các trung tâm này lại mọc lên theo xu hướng phát triển kinh tế tại Trung Quốc. Các nhà đầu tư nhận ra rằng các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất ngày càng cho lợi nhuận ít hơn đầu tư vào y tế. Vì thế, có một làn sóng đầu tư vào các dịch vụ y tế đang bùng nổ tại Trung Quốc. Điển hình là việc APH Medical đầu tư số tiền lên đến 240 triệu USD cho một trung tâm trị liệu proton ở phía đông nam Trung Quốc.
Làn sóng này được tạo ra một phần do chính sách khuyến khích giới đầu tư đổ tiền vào y tế bằng cách nới lỏng các quy định về nhập khẩu thiết bị y tế của chính phủ Trung Quốc hồi năm 2015. Điều này khiến cho việc mua sắm các máy proton trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Một số người lo ngại rằng sự phát triển các trung tâm này có thể làm tăng sự chênh lệch trong việc chăm sóc sức khỏe giữa những người giàu và nghèo trong xã hội. Trung bình một ca điều trị bằng liệu pháp proton tại Thượng Hải có giá trên 40 ngàn USD. Bệnh nhân phải trả toàn bộ chi phí vì các điều khoản bảo hiểm y tế không bao gồm việc điều trị bằng liệu pháp proton.
Một số bệnh viện đã hợp tác với các nhà đầu tư để xây dựng các trung tâm proton nhưng họ lại có rất ít chuyên gia cho lĩnh vực này.
Vấn đề chuyên môn của nhân viên tại các trung tâm này cũng khiến nhiều người lo lắng. Một số bệnh viện đã hợp tác với các nhà đầu tư để xây dựng các trung tâm proton nhưng họ lại có rất ít chuyên gia cho lĩnh vực này. Hu Yimin, phục trách Bệnh viện Ung thư thuộc Học viện Y tế Trung Quốc cho biết: "Chúng ta nên phát triển liệu pháp proton nhưng không nên vội vàng như vậy".
Chao, một cô gái 28 tuổi tại Trung Quốc đã kể cho phóng viên nghe về hành trình trị liệu bằng liệu pháp proton của cô. Năm 2014, bác sỹ nói rằng khối u hiếm ở đáy hộp sọ của cô đã bị tăng trưởng trở lại sau phẫu thuật. Một bác sỹ đề nghị cô sử dụng liệu pháp proton lúc đó chưa có mặt tại Trung Quốc.
Cô đã chi gần 30.000 USD để sang Nhật Bản trị bệnh bằng liệu pháp này. Kết quả khối u của cô đã ngừng phát triển và hiện tại cô đã có thể quay trở lại với công việc toàn thời gian của mình.