Dù chưa có được dữ liệu chính xác sau thảm hoạ xảy ra vào cuối tuần trước, các nhà địa chất học đã dự đoán đỉnh núi cao nhất thế giới cũng như toàn dãy Himalaya đã thay đổi gần 10 centimet chiều cao.
Chiều cao của đỉnh Everest thay đổi sau động đất ở Nepal
Con số 10 centimet có vẻ không lớn, mức tương đương với chiều cao chiếc giày cao gót của phụ nữ. Song khi kết hợp với toàn bộ khối lượng và kích thước của dãy núi cao nhất thế giới thì chúng ta có thể thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của trận động đất 7,8 độ richter vừa qua là như thế nào.
Trên thực tế, dãy Himalaya cũng như đỉnh Everest được hình thành do sự va chạm giữa mảng lục địa Á-Âu và Ấn Độ vào nhau. Các cơn địa chấn đến từ khu vực này cũng là kết quả của vụ va chạm trên. Dự kiến trong tương lai sẽ còn nhiều vụ va chạm khác xảy ra trong khu vực này.
Đỉnh Everest (trái) và Nuptse (phải) được cho là đã bị thay đổi chiều cao.
Các nhà địa chất cho rằng vụ va chạm trên đã diễn ra cách đây khoảng 50 - 55 triệu năm trước, khi mảng Ấn Độ "bắc tiến" với tốc độ nhanh gấp đôi các mảng lục địa khác. Hiện mảng này đang tiến về hướng đông bắc với tốc độ 5 cm/năm, trong khi mảng Á-Âu chỉ "chạy" tới tốc độ 2 cm/năm về phía bắc.
Các nhà khoa học dự đoán mảng Á-Âu sẽ bị "xé nát" bởi mảng Ấn Độ trong khoảng 100 triệu năm nữa. Lý do tại sao mảng Ấn Độ lại "hung hãn" như thế hiện vẫn chưa được xác định. Các nhà địa chất Đức cho rằng có thể vì mảng Ấn Độ có bề dày chỉ bằng 1/2 so với các mảng còn lại, chỉ khoảng 100 km, sau khi nó tách khỏi siêu lục địa Gondwana cách đây 120 triệu năm.
Lược sử quá trình kiến tạo các lục địa của Trái Đất cách đây 100 triệu năm.
Quay lại với câu chuyện về chiều cao của đỉnh Everest, do mức độ tàn phá của trận động đất, nhiều trạm quan trắc địa chất đã bị hư hại khiến cho các nhà khoa học không thể truy cập được dữ liệu của chúng từ xa.
Lấy ví dụ như trạm SYBC nằm ở một thung lũng cách đỉnh Everest 30 km đã không còn khả năng phát tín hiệu. Các nhà khoa học buộc phải truy cập theo cách truyền thống là bằng đường bộ hoặc trực thăng. Tuy vậy, xét tình hình hiện tại, tất cả các phương tiện đang được ưu tiên cho nhiệm vụ giải cứu các nạn nhân của trận động đất. Hiện đã có hơn 5.000 người chết và con số này dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa. Vì thế, công trình nghiên cứu khoa học này đành phải tạm gác lại.
Rất nhiều thứ đã bị phá huỷ sau cơn địa chấn.
Kenneth Hudnut, nhà địa chất thuộc phòng Khảo sát Địa Chất Mỹ (USGS), cho biết: "Chúng tôi không chỉ xem xét liệu đỉnh Everest đã 'cao lên' hay 'lùn đi' mà chúng tôi đang muốn tìm hiểu xem toàn bộ Trái Đất đã thay đổi ra sao và các nhà khoa học có thể làm gì sau vụ động đất. Lấy ví dụ, chúng tôi muốn biết liệu trận động đất này có tạo thêm áp lực lên các điểm đứt gãy khác trong khu vực, vốn có thể gây ra các trận động đất khác trong tương lai hay không".
Việc thu thập các thông số này sẽ giúp dự đoán được trận động đất tương lai có thể sẽ xảy ra ở đâu và khoảng thời gian nào. Như đã nêu ở trên, mảng Ấn Độ sẽ tiếp tục "đâm vào" mảng Á-Âu trong nhiều triệu năm nữa và nhân loại sẽ còn chứng kiến nhiều trận động đất kinh hoàng khác tại khu vực này. Rất có thể không phải Nepal mà Bangladesh, Parkistan hoặc quốc gia đông dân nhất (Trung Quốc) và nhì thế giới (Ấn Độ) sẽ phải gánh chịu thảm kịch.
Vị trí tâm điểm cơn động đất xảy ra hôm 25/04 vừa qua.
Hudnut bổ sung thêm rằng thành phố Kathmandu, nơi nằm gần tâm chấn hơn cả đỉnh Everest, có lẽ đã bị dịch chuyển tới tận 1 mét, khiến cho hàng ngàn người chết. Nên việc biết trước trận động đất tới sẽ diễn ra ở đâu và khi nào, có thể giúp ích đáng kể cho việc sơ tán cũng như công tác cứu hộ. Sẽ có ít gia đình phải chịu cảnh tang thương hơn như hiện nay.