Đồ hộp biến dạng vỏ thì nên bỏ hay ăn?

Cách nhận biết thức ăn đóng hộp nhiễm khuẩn

Vỏ hộp chứa thực phẩm chế biến sẵn bị méo mó, hoặc nắp bị phồng lên, phản ảnh chất lượng thực phẩm chứa trong hộp không còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Vỏ hộp méo mó cũng chẳng sao!

Nhiều người lựa chọn thực phẩm đồ hộp chế biến sẵn có thể dùng ngay cho bữa cơm gia đình, hay những chuyến du lịch, bởi sự tiện dụng của chúng là ăn liền, hoặc chỉ cần hâm nóng qua lò vi sóng.

Đa số chị em nội trợ cho rằng, nếu vỏ hộp méo một chút không sao, quan trọng là chất lượng đồ ăn trong hộp.


Nhiều người cho rằng chỉ cần quan tâm ngày sản xuất, hết hạn chứ đồ hộp có méo một chút cũng không sao.

Hại sức khỏe vì vi khuẩn độc xâm nhập

Theo ThS Lưu Thị Lệ Thủy - Phân viện trưởng, Phân viện công nghiệp thực phẩm, TP.HCM, đối với thực phẩm chế biến sẵn thì bao bì vỏ hộp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vỏ đồ hộp bị móp méo, hoặc phồng lên do quá trình vận chuyển hàng bị va đập, đây là dạng va đập cơ học đôi khi cũng làm cho các góc cạnh của nắp hộp bị hở, vết hở không làm rò rỉ nước thực phẩm trong hộp nên khó mà nhận biết bằng mắt thường.

Hộp đã có vết hở thì chắc chắn thực phẩm bên trong sẽ bị ảnh hưởng. Hộp không bị móp méo mà lại phồng trên nắp hoặc phồng dưới đáy, khi đó nguyên nhân phồng là do quá trình sản xuất đóng lon không đảm bảo các quy trình vệ sinh vỏ hộp, không đảm bảo an toàn ngay khi đóng hộp. Mặt khác, có khi nguyên nhân do chất lượng thực phẩm trong hộp không đảm bảo, vi sinh vật phân hủy, sinh hơi độc gây phồng nắp, vỏ hộp.

Loại vi khuẩn thường gây độc nhiễm vào thực phẩm đồ hộp phải kể tới là clostridium botulinum, loại vi khuẩn này thường có trong các đồ hộp thịt xông khói, cá hộp xông khói… không được khử trùng đúng nhiệt độ và thời gian. Ăn phải vi khuẩn này chất độc đi thẳng vào máu phá hoại hệ thống thần kinh. Người bị trúng độc sẽ hoa mắt, khó nuốt, khó thở.

Chất độc loại A của vi khuẩn này là một trong những chất độc mạnh, có thể dẫn đến chết người với một lượng rất nhỏ. Ngoài ra còn một số vi khuẩn gây tiêu chảy, nôn ói, ngộ độc thực phẩm.

PGS.TS Hà Thúc Chí Nhân - Phó trưởng khoa Khoa học Vật liệu, Trường ĐH KHTN TP.HCM thì cho rằng, có nhiều loại vật liệu dùng làm hộp chứa thực phẩm chế biến sẵn. Hộp nhựa nếu bị méo móp, phồng lên khi bị tác động nhiệt, lúc này phụ gia từ hộp dễ phân hủy vào thực phẩm gây độc… Loại hộp vật liệu thiếc chứa thực phẩm, khi để một thời gian mà hộp phồng lên là do thực phẩm trong hộp bị vi sinh xâm nhập gây phân hủy sẽ tạo thành khí, giải phóng CO2, làm tăng áp suất trong hộp, vỏ hộp sẽ bị giãn nở, phồng lên.


Vỏ hộp phồng lên, hoặc bị méo móp người tiêu dùng cần nghĩ ngay đến việc thực phẩm bên trong hộp đã bị hỏng.

Với thực phẩm có tính axit thì yêu cầu bề mặt hộp phải tráng chất chống ăn mòn, nếu bị ăn mòn cũng gây phồng hộp, lúc này không phải phồng do vi sinh mà là phồng do hóa học. Vỏ hộp phồng lên, hoặc bị méo móp người tiêu dùng cần nghĩ ngay đến việc thực phẩm bên trong hộp đã bị hỏng.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Hữu Quyền - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Thực phẩm, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay, đồ hộp dễ bị móp méo, phồng nắp thường do khâu thanh trùng không đảm bảo. Thanh trùng đồ hộp phải tạo áp suất đối kháng giúp cân bằng áp suất trong hộp, loại bỏ khí trong hộp ra ngoài nhằm giảm áp suất bên trong hộp, giảm sự oxy hóa các chất dinh dưỡng, sự ăn mòn kim loại, sự phát triển của vi sinh vật hiếu khí…

Đồ hộp để được bao lâu?

Các loại thực phẩm đóng hộp như sữa, thịt, rau rất phổ biến. Một trong những lợi thế của thực phẩm đóng hộp là có thể để lâu, thậm chí rất lâu so với thực phẩm tươi, theo MSN.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người mua cũng biết thực phẩm đóng hộp có thể để được trong bao lâu. Hạn sử dụng in trên bao bì không phải là căn cứ duy nhất để biết thực phẩm bên trong có còn ăn được hay không.

Một điều đáng chú ý là hạn sử dụng in trên hộp thực phẩm không phải là thời hạn mà bạn có thể ăn mà không mắc bệnh. Đó là thời hạn mà thực phẩm trong hộp vẫn chưa bị hỏng và vẫn còn nguyên hương vị. Sau thời gian đó, thực phẩm vẫn có thể dùng được nhưng không còn ngon nữa, MSN dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Amanda Webster.


Thời hạn sử dụng trên đồ hộp thường là khoảng thời gian mà nhà sản xuất đảm bảo là thực phẩm vẫn còn tươi ngon.

Nếu bạn nhìn, ngửi và nếm mà thấy thực phẩm đóng hộp vẫn còn tốt thì chúng vẫn có thể ăn được. Thời hạn sử dụng trên đồ hộp thường là khoảng thời gian mà nhà sản xuất đảm bảo là thực phẩm vẫn còn tươi ngon, hương vị vẫn chưa bị thay đổi do để quá lâu, bà Amanda giải thích thêm.

Với các sản phẩn đóng hộp như sữa, nước dừa, nếu được bảo quản tốt thì chúng vẫn có thể dùng được khi đã hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, sữa và nhiều món có tính a xít cao, chẳng hạn như các sản phẩm làm từ cà chua, sẽ bắt đầu mất đi hương vị sau khoảng 18 tháng, theo MSN.

Cách tốt nhất để đảm bảo an toàn và giữ được hương vị của đồ hộp là ăn khi còn hạn sử dụng. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của đồ hộp.
Ngoài ra, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lưu ý người dùng không nên ăn nếu món bên trong đồ hộp thay đổi màu sắc và kết cấu, theo MSN.

Cập nhật: 03/09/2020 Theo khampha/thanhnien
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video