Khi cắn miếng giò mà thấy khô cứng, dai, mịn bất thường thì đó là giò ướp hàn the.
Giò lụa là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ hội, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán của người Việt. Món ăn này chế biến từ thịt lợn tươi đã được giã nhuyễn, có thể kết hợp cùng các nguyên liệu khác như mỡ lợn, nước mắm, tiêu...để tạo nên một hương vị đặc trưng. Theo công thức từ xưa truyền lại, giò lụa được gói trong lá chuối tạo nên một màu sắc hấp dẫn tự nhiên cùng với độ dai ngon của thịt.
Trong thời gian gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và chất lượng của giò lụa nói riêng đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng. Một trong những mối quan ngại lớn là việc sử dụng hàn the trong chế biến giò lụa để thành phẩm được thơm, dai, đẹp mắt..
Hàn the. (Ảnh: internet).
Trước đây, hàn the được sử dụng trong công nghệ thực phẩm do có thể giữ món ăn tươi ngon thời gian dài, không bị ôi thiu, đồng thời giúp tăng độ dẻo. Người dân hay cho hàn the vào nấu bánh đúc để bánh cứng chặt, hoặc nêm vào bánh cuốn, bún, để dai ngon hơn.
Tuy nhiên, qua thời gian, các chuyên gia nhận thấy hàn the là hóa chất vô cùng độc hại, ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài và có thể làm sa sút trí tuệ.
Theo các chuyên gia, hàn the chỉ được sử dụng trong công nghiệp. Một đặc điểm của nó là loại chất "thích tích tụ" trong cơ thể vì tỷ lệ tích tụ không bị đào thải khá lớn.
Sự độc hại của hàn the
Trả lời về hàn the - chất được sử dụng phổ biến, thậm chí được cho là nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình làm giò, chả, PGS.TS Trần Hồng Côn - khoa Hóa học - ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, đây chính là muối natri của acid boric. Từ rất lâu, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, giò, chả và nhiều thức ăn khác với mục đích tạo độ giòn, giai. Hàn the nếu dùng nhiều sẽ gây tác hại cho sức khỏe như ảnh hưởng đến trí nhớ, rối loạn nội tiết.
Đồng quan điểm PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng hàn the rất độc hại nếu cho vào thực phẩm.
"Hàn the là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Điều đó có nghĩa chúng sẽ có tác động bất lợi cho cơ thể nếu ăn phải. Thực tế, dùng hàn the liều cao có thể gây ngộ độc cấp, còn với liều lượng nhỏ tích tụ và gây ngộ độc gan, thận, rất nguy hiểm cho cơ thể", PGS Thịnh nói.
Để phân biệt một miếng giò có hàn the và không có hàn the bằng mắt thường rất khó khăn.
Hàn the có thể gây ngộ độc. Liều từ 5 gam trở lên đã gây ngộ độc cấp tính, có thể dẫn đến tử vong. Dùng với liều lượng thấp có thể gây ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây biếng ăn và suy nhược cơ thể. Khi vào cơ thể, hàn the khó bị đào thải mà tích tụ trong gan, đến khi lượng tích tụ đủ lớn sẽ gây tác hại mãn tính.
"Việt Nam đã cấm sử dụng hàn the trong sản xuất, chế biến thực phẩm với bất kỳ hàm lượng hay cách thức nào. Nhưng trên thực tế, nhiều người kinh doanh vẫn bỏ hàn the như một chất phụ gia vào thực phẩm để món ăn dai ngon hơn", PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Nghiên cứu về độc tính của hàn the cho thấy, chất này có thể gây nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, gây ban đỏ, tróc vẩy. Hàn the cũng gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não. Đặc biệt, hàn the khi vào cơ thể sẽ tích tụ ở gan, rất khó bị đào thải ra ngoài, khi tích tụ số lượng đủ lớn chúng sẽ bộc phát ra ngoài gây bệnh mãn tính. Không những gây tổn thương gan, hàn the còn gây thoái hóa cơ quan sinh dục, vô sinh.
Cách chọn giò chả không hàn the
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), để phân biệt một miếng giò có hàn the và không có hàn the bằng mắt thường rất khó khăn, ngay cả chuyên gia cũng khó có thể nhận biết.
Thứ nhất, để mua được giò chả an toàn, người tiêu dùng cần tới những cơ sở làm giò sạch, có uy tín, được công bố không có hàn the.
Thứ hai, người tiêu dùng có thể sử dụng que thử dạng giấy để nhận biết giò chả có hàn the hay không khi mua giò chả ngoài chợ.
Một kinh nghiệm khác, khi mua giò chả, người tiêu dùng có thể cắt riêng ra một miếng nhỏ, sau đó nhỏ 1-2 giọt axit clohydric (HCl) vào mẫu thực phẩm để tạo môi trường. Nếu mẫu thực phẩm có chứa hàn the, giấy nghệ sẽ biến sang màu đỏ. Cường độ màu thu được tỷ lệ với hàm lượng hàn the có trong mẫu. Sau đó, so màu với màu thang chuẩn từ đó biết được hàm lượng hàn the trong mẫu.
Sử dụng giấy nghệ: Phương pháp này chỉ kiểm tra định tính, không kiểm tra định lượng. Bạn sử dụng giấy ngâm nước nghệ tươi rồi phơi khô, ấn vào bề mặt của giò lụa. Sau một phút, nếu thấy giấy chuyển màu sắc từ vàng sang cam đỏ thì miếng giò đó chứa hàn the.
Còn về cách nhận biết bằng mắt thường, PGS Trần Hồng Côn bật mí một khoanh giò ngon khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, giòn, mềm, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở song cần cẩn thận với miếng giò giòn, dai hơn bình thường vì thông thường sẽ bị trộn hàn the.
Giò chả nguyên chất không có hàn the khi cắt giò ta sẽ thấy có những lỗ rỗng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, giò lụa ngon có mùi vị đặc trưng, sau khi nuốt xong, vị còn đọng lại nơi cuống họng. Khi nhai, giò chả sạch có vị thơm ngọt, mềm, không bị bã, không có cảm giác khô rắn. Nếu ăn giò thấy có mùi thơm nồng, thơm sực thì cần cẩn trọng vì rất có thể đó là giò lụa được tẩm ướp chất phụ gia.
Hoặc có một cách khác là cắt lát miếng giò, chả ra. Dùng tay thử kéo hai đầu miếng giò, chả. Nếu thấy dai, không rách hoặc khó rách thì là loại giò, chả có hàn the. Chỉ cần tinh ý một chút là có thể nhận ra loại giò chả này bởi có những tiêu chí bằng cảm quan là màu sắc, hay độ đàn hồi là rất dễ nhận ra.
Ngoài ra, giò chả nguyên chất không có hàn the cũng như chất phụ gia khi cắt miếng giò ra chúng ta sẽ thấy có những lỗ rỗng. Còn nếu như cắt miếng giò, chả ra mà bên trong mịn đẹp thì chứng tỏ rằng chúng đã được ướp chất phụ gia. Giò chả chuẩn không hàn the khi sờ vào bề mặt có cảm giác hơi ướt, màu trắng ngà hơi ngả hồng. Còn giò có chứa hàn the sờ vỏ có vẻ hơi sần sùi.
Theo các chuyên gia, có thể quan sát lúc cắt giò, chả. Nếu như giò, chả sạch thì khi dùng dao cắt, dao bị xít, dính mặt giò, khó thái chứ không trơn tuột như giò có chứa hàn the.