Đồng Bằng Sông Cửu Long hồi hộp đón bão

20g tối qua (4-12), Bình Thuận có 4 tàu nhỏ (20 CV) của ngư dân bị sóng đánh chìm tại đảo Phú Quý, không có thiệt hại về người; Nha Trang có gió giật cấp 10; chưa có báo cáo thiệt hại từ các tỉnh. 16g cùng ngày, bão Durian chuyển hướng về phía Nam, khu vực miền Tây chuyển động. Vùng đất ít chịu bão tố này tất bật đối phó với bão.

Tiền Giang, Bến Tre: di dời 3.000 người già, phụ nữ và trẻ em ở vùng ven biển

Sóng biển dâng cao khi bão ngang qua Nha Trang (Ảnh: M.Đức – TTXVN)

Lúc 19g30 tối qua, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo cho biết đã di dời hơn 3.000 người già, phụ nữ và trẻ em ở vùng ven biển, cù lao ba huyện biển là Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại vào sâu trong đất liền để tránh bão, chỉ để lại mỗi gia đình một thanh niên.

Đích thân chủ tịch tỉnh Cao Tấn Khổng có mặt tại huyện biển Thạnh Phú chỉ đạo công tác di dời dân, phòng chống bão Durian. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thuốc men hỗ trợ người dân đi tránh bão. Toàn bộ số tàu thuyền của tỉnh đến chiều 4-12 đều đã liên lạc được và hầu hết đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang chỉ đạo di dời những hộ có nhà thô sơ, tạm bợ ở hai xã cù lao Phú Tân, Phú Đông đến những nhà kiên cố, trường học để tránh bão. 20g05, Tiền Giang đã cho lực lượng hộ đê gần 200 người tiến hành trải bạt, dằn 5.000 bao cát đã chuẩn bị sẵn trên đoạn đê biển xung yếu thuộc xã Tân Thành, Tân Điền dài 2.200m để đề phòng sạt lở khi có bão.

Cụm phà Hậu Giang sẵn sàng vượt bão

Giám đốc cụm phà Hậu Giang Phan Quang Dự cho biết đã cắt đặt việc trực vượt sông 24/24, có tính đến các trường hợp khẩn cấp khi bão đổ bộ vào. Hiện các phà đã thực hiện giảm tải 20% so với ngày thường để đảm bảo an toàn. Trường hợp nếu mưa dông kéo dài, phà Hậu Giang sẽ sử dụng đội phà mạnh gồm hai phà 200 tấn và hai phà 100 tấn để hoạt động không bị gián đoạn.

Cà Mau: tàu còn trên biển

Công tác phòng chống bão Durian đang được Cà Mau tiến hành cấp bách và đã sẵn sàng đối phó với bão kể từ 17g chiều 4-12. Tuy nhiên, đến chiều 4-12, vẫn còn 69 tàu cá, với 569 ngư dân của Cà Mau còn trên biển. Vị trí số tàu này đã được xác định là thuộc các vùng biển bãi cạn Cà Mau, vùng gần Hòn Khoai, vùng biển Thổ Chu (Phú Quốc) và vùng biển tây nam Hòn Chuối. Tất cả đã bắt được liên lạc với đất liền.

Đến 17g chiều qua, tỉnh đã tiến hành di dời 478 hộ dân vùng ven biển của tỉnh vào nơi an toàn.

Kiên Giang: bắt ký cam kết đưa tàu vào nơi an toàn

Chiều qua 4-12, ông Lê Hữu Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các ngành chức năng để đối phó với cơn bão Durian. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 7.300 chiếc tàu đánh cá, trong đó có gần 3.000 chiếc đánh bắt xa bờ. Đến 14g chiều đã liên lạc được với toàn bộ 261 chiếc đánh bắt ở biển Đông và các tàu đã vào được nơi trú ẩn an toàn. Đối với 18 chiếc đang đánh bắt trên biển Tây, mặc dù ngành chức năng đã có thông báo nhưng họ chủ quan không chịu vào. Các cán bộ ngành thủy sản đã phải đến từng nhà yêu cầu các chủ tàu và gia đình họ liên lạc với các thuyền trưởng và ký vào bản cam kết đưa tàu vào nơi trú ẩn an toàn ngay trong đêm 4-12.


Bão đang đổ vào bờ biển Nam Trung Bộ -
(Ảnh chụp qua Vệ tinh lúc 20 :00 ngày 4/12 của TT DBKTTV TƯ)

An Giang: dừng kỳ họp HĐND tỉnh để lo chống bão

Chiều 4-12, UBND tỉnh có công điện yêu cầu kiên quyết thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo đảm tính mạng nhân dân bằng mọi giá, không để xảy ra chết người; các địa phương phải tổ chức di dời dân ở các vùng xung yếu đến nơi an toàn, nếu cần thiết phải cưỡng chế trước 10g ngày 5-12. Thường trực HĐND tỉnh cũng quyết định dời kỳ họp lần thứ 8 khóa 7 tổ chức từ 5 đến 7-12 sang các ngày từ 6 đến 8-12...

Sóc Trăng: còn 39 chiếc tàu và 579 ngư dân chưa vào đất liền

Theo Ban phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng, đến 17g30 ngày 4-12 tỉnh này còn 39 chiếc tàu đánh bắt xa bờ với 579 ngư dân đang khai thác ngoài biển. Trước sự chuyển hướng của cơn bão Durian, lực lượng cứu hộ của bộ đội biên phòng và Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng bằng mọi cách đang giữ liên lạc với những tàu này và kêu gọi ngư dân nhanh chóng vào bờ hoặc đưa tàu đến nơi trú bão an toàn. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh này phải nghiêm cấm các tàu cá ra khơi và kêu gọi những tàu đang đánh bắt ngoài biển nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi trú ngụ an toàn.

Trước đó, tàu cứu hộ của hải đội 2 (Bộ đội biên phòng Sóc Trăng) đã cứu được tàu cá BĐ 0856 TS đang trôi dạt ngoài biển cách cửa biển Trần Đề của huyện Long Phú khoảng 35 hải lý. Đây là tàu cá của tỉnh Bình Định do ông Đỗ Nhảy làm thuyền trưởng, khi bị hỏng máy trên tàu có bảy người.

NHÓM PV, CTV MIỀN TÂY

Phú Yên: sóng dữ tấn công các làng biển

Bão không vào nhưng những cơn sóng lớn cũng quất cấp tập vào Phú Yên trong ngày hôm qua gây những thiệt hại đáng kể ở các làng chài. 

Tại làng An Vũ, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, sóng cùng với triều cường dâng cao đã phá vỡ hoàn toàn gần 150m bờ kè bảo vệ ngôi làng này. Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán kịp thời 60 gia đình trong vùng nguy hiểm này. 

Trong khi đó, những đợt sóng lớn dữ dội kèm theo gió to đã hoành hành và tàn phá cả hai thôn Mỹ Quang Bắc và Mỹ Quang Nam của xã An Chấn, huyện Tuy An. Những đợt sóng cao 4-6m tràn sâu vào hàng trăm ngôi nhà, cuốn trôi nhiều tài sản, cây cối. Hơn 300 hộ dân ở địa phương này đang bị uy hiếp trực tiếp. Anh Trần Tấn Thảo, 35 tuổi, ở thôn Mỹ Quang Bắc, kể rằng gia đình đang chuẩn bị ăn cơm thì nước biển ầm ầm đổ vào nhà, cuốn trôi nhiều vật dụng và cả bữa ăn chưa kịp dọn ra. 

* Theo báo cáo của Công an tỉnh Phú Yên vào sáng 4-12, đã có một người chết do chìm tàu. Đó là ngư dân Bùi Văn Lạc (Bình Định). Ông Lạc cùng các thuyền viên trên đường từ Vũng Tàu về Bình Định, ngang qua vùng biển Tuy An (Phú Yên), cách bờ khoảng 200m thì bị sóng lớn đánh chìm. Ông Lạc chết, hai bạn thuyền thoát nạn.

Khánh Hòa: di dời toàn bộ dân trên lồng bè 

Đến chiều qua, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân Khánh Hòa đang hành nghề ở các nơi đều đã vào trú tránh bão an toàn. Trong đó có ba tàu cùng 26 ngư dân tránh bão tại Philippines.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 6.447 ngư dân trên 5.163 lồng bè nuôi tôm, cá đều thuộc diện phải di dời để phòng tránh bão. Trong đó riêng trên vịnh Nha Trang có 548 lồng bè với 1.500 -2.000 người làm việc thường xuyên, phần lớn tập trung ở các đảo thuộc phường Vĩnh Nguyên.

Bà con ngư dân và các lực lượng đã tháo dỡ các phần nhà, chòi nổi ở phía trên các lồng bè; tăng cường neo giữ các lồng bè phía dưới mặt nước. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi cho biết: “Tỉnh đã chỉ đạo triển khai giao nhiệm vụ cho bộ đội biên phòng; CSGT đường biển cùng các lực lượng chức năng của từng địa phương phải bảo vệ tài sản cho dân”.

Ninh Thuận:  mưa lớn ở các huyện miền núi

Dự báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, nếu trời tiếp tục mưa, đến sáng nay 5-12, nhiều khả năng sẽ xảy ra lũ quét và lở núi. Mưa lớn cũng đã làm mất điện ở thôn Suối Giếng (Công Hải) liên tục nhiều giờ liền. đến chiều tối qua, dù có thông tin cơn bão chuyển hướng “” khỏi Ninh Thuận nhưng cuộc sống của người dân vẫn được đặt trong tình trạng báo động, đề phòng diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Bác Ái, mưa bắt đầu xuất hiện từ khoảng 15g chiều 4-12 và càng lúc càng dữ dội. Đến 19g đêm qua, chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn cấp 156 hộ (gần 750 người) sống ven sông suối, sườn núi đến trung tâm xã để phòng tránh lũ quét. Chiều tối cùng ngày, bất ngờ tại xã Phước Thành, một cơn lốc giật 10 nhà tốc mái, làm hai trẻ em và một người lớn bị thương.

TẤN LỘC - PHAN SÔNG NGÂN - L.TRƯỜNG - HẢI ĐĂNG

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video