Tối qua, một trận động đất mạnh 8,1 độ richter làm rung chuyển quần đảo Kuril, cách đông bắc Tokyo 1.700 km. Ngay sau đó các trung tâm khí tượng phát đi cảnh báo về sóng thần ở bờ biển Nhật Bản và Nga, yêu cầu người dân sơ tán.
Một trung tâm sơ tán ở Esashicho, Hokkaido, phía bắc Nhật Bản vào tối qua, sau khi có cảnh báo sóng thần. (Ảnh: AP) |
Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, một đợt sóng cao 40 cm đã đánh vào cảng Nemuro trên đảo Hokkaido rồi nhanh chóng suy yếu. Thông thường, những đợt sóng thần do động đất gây ra khó nhận thấy trên đại dương, nhưng chúng có thể dâng rất cao ngay khi đánh vào bờ.
Do không có dấu hiệu nguy hiểm, báo động sóng thần sau đó nhanh chóng được hủy bỏ. Tuy nhiên, JMA khẳng định, họ vẫn theo dõi sát sao tình hình tại vùng bờ biển của đảo Hokkaido. Hiện cũng không có thông báo nào về thiệt hại tại quần đảo Kuril sau trận động đất nói trên.
Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đánh giá về cơn địa chấn tại Kuril: "Một trận động đất mạnh cỡ này có khả năng tạo ra sóng thần với sức tàn phá khủng khiếp, đánh vào các bờ biển trong khu vực gần tâm chấn chỉ trong vài phút đến vài giờ".
Ban đầu JMA nhận định một đợt sóng thần cao ít nhất 2 mét có thể xảy ra sau trận động đất ở quần đảo Kuril. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ cũng thông báo về khả năng xảy ra sóng thần mạnh tại vùng bờ biển Thái Bình Dương của Nga.
(Ảnh: TTO) |
Ngày 26/12/2004, trận động đất mạnh 9,1 độ richter ngoài khơi Indonesia đã gây ra một đợt sóng thần lịch sử cao tới hơn 10 mét khắp vùng Ấn Độ Dương, làm chết 213.000 người ở 11 quốc gia. Thiệt hại nặng nhất là các nước Indonesia, Ấn Độ và Sri Lanka.
Nga và Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền tại 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kuril, nơi xảy ra trận động đất tối qua. Khu vực này nằm giữa bán đảo Kamchatska của Nga và đảo lớn Hokkaido ở phía bắc Nhật Bản. Liên Xô chiếm nhóm đảo vốn có tên gọi Lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản này vào cuối Thế chiến II.
Bất đồng xung quanh chủ quyền quần đảo Kuril khiến hai nước không ký hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới II. Đây cũng là nguyên nhân khiến Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, không mặn mà trong việc đầu tư vào Nga.
Đình Chính