Các nhà nghiên cứu cho biết, trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn đến sự dịch chuyển của các mảng thạch quyển về phía tây nam 3m.
Nói với tờ Corriere della Sera về cấu trúc vùng ranh giới giữa các mảng thạch quyển ngày 7/2, Chủ tịch Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia Italy (INGV) Carlo Doloni cho biết, mảng Ả Rập đã dịch chuyển khoảng 3m so với mảng Anatolia.
Cảnh tan hoang sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2.
Ông Doloni nhấn mạnh rằng vết đứt gãy (nơi các mảng vỏ Trái đất ép vào nhau) dài ít nhất là 150km. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển có liên quan đến Syria. "Mọi thứ diễn ra trong vài chục giây" - ông nói.
Nhà khoa học này nói thêm rằng, không thể dự đoán khi nào chuỗi dư chấn sẽ kết thúc. Theo ông, hiện tượng này sẽ không dừng lại cho đến khi năng lượng dự trữ được giải phóng.
Các nhà địa chấn học ghi nhận một trận động đất mạnh 7,8 độ richter ngày 6/2. Nó xảy ra gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria. Tiếp theo là vài chục cơn dư chấn nữa. Vào buổi chiều hôm đó, trận động đất nữa mạnh 7,6 độ richter lại xảy ra.
Theo người đứng đầu Cục Quản lý Khẩn cấp thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) về giảm thiểu rủi ro động đất Orhan Tatar, ít nhất 285 dư chấn được ghi nhận ở nước này kể từ trận động đất đầu tiên. Hầu hết các dư chấn được ghi nhận ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.
Các dịch vụ khẩn cấp của đất nước đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Hơn 12.000 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng, cùng với 9.000 binh sĩ. Hơn 70 quốc gia đã cung cấp các đội cứu hộ và viện trợ khác.
Theo số liệu mới nhất, số nạn nhân thiệt mạng của trận động đất đã vượt 7.800, số người bị thương lên tới hàng chục nghìn người. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố quốc tang trên toàn quốc, kéo dài đến hết ngày 12/2.