Việt Nam là một trong năm nước Đông Nam Á có nguy cơ hứng chịu tác động khắc nghiệt nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Năm nước ở Đông Nam Á gồm Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Philippines và Campuchia nằm trong danh sách 30 nước chịu tác động khắc nghiệt của thay đổi khí hậu.
Người dân Quảng Bình tránh lũ trên mái nhà
tại tỉnh Quảng Bình hồi tháng 10. (Ảnh: Nguyễn Đông)
Đây là kết quả đánh giá 193 nước của Maplecroft, một công ty Anh chuyên phân tích rủi ro. Maplecroft nghiên cứu mức độ hứng chịu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt - như hạn hán, lốc xoáy, cháy rừng và bão – của mỗi nước. Từ kết quả nghiên cứu họ lập chỉ số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), The Indian Express cho hay.
“Một số nước vẫn chịu tác động đặc biệt dù thay đổi khí hậu ở chỉ ở mức tương đối thấp”, nhóm tác giả bình luận.
Nền kinh tế yếu, không đủ điều kiện chăm sóc y tế và nạn tham nhũng cũng cản trở nỗ lực giải quyết tác động của biến đổi khí hậu đối với xã hội.
Ngược lại, các nước Iceland, Phần Lan, Ireland, Thụy Điển và Estonia đứng đầu danh sách các nước có nguy cơ thấp nhất. Trừ Israel và hai nước giàu dầu mỏ là Qatar và Bahrain, 20 nước ít bị tác động nhất thuộc về Bắc và Trung Âu.
Trung Quốc và Mỹ là hai nước đứng đầu thế giới về phát thải khí carbon, song lại nằm trong nhóm các nước đối mặt với nguy cơ trung bình và thấp.
Những nghiên cứu gần đây – được đưa ra trong một báo cáo đặc biệt của tổ chức Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) và sẽ công bố vào tháng 11 tới – chỉ rõ những bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ giữa hiện tượng nóng lên toàn cầu và những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.