Lễ động thổ xây dựng kính thiên văn cực lớn của châu Âu (E-ELT) vừa diễn ra ở khu vực có độ cao 3.046m thuộc Cerro Amazones ở Chile. Với tổng chi phí khoảng 1,12 tỉ USD, E-ELT được coi là kính thiên văn quang học và hồng ngoại lớn nhất thế giới, theo trang tin Newatlas.
Phối cảnh Đài thiên văn quang học và hồng ngoại E-ELT. (ẢNH: NEWATLAS).
Vị trí trên được chọn vì là nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng, đặc biệt tỷ lệ những đêm trời quang mây tạnh trong năm là rất cao. Dự án được khởi động năm 2014 nhưng mãi đến nay mới làm lễ động thổ với hình thức đặt viên đá đầu tiên, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Sau khi xây dựng hoàn tất thì E-ELT sẽ có chiếc gương chính với đường kính 39m để so sánh với kính thiên văn Giant Magellan bao gồm 7 gương kết hợp chỉ 25,4m. Cấu trúc chính của E-ELT nặng khoảng 5.000 tấn, trong đó khối lượng dịch chuyển nặng 3.000 tấn trong một mái vòm quay rộng 85m.
Vì vậy, E-ELT sẽ là kính thiên văn quang học lớn nhất chưa từng có.
E-ELT sẽ giúp các nhà khoa học thuận lợi hơn để nghiên cứu các ngoại hành tinh, hố đen vũ trụ siêu lớn, bản chất năng lượng tối, sự hình thành các thiên hà sơ khai trong vũ trụ… Kính thiên văn này được thiết kế để khắc phục sự biến dạng của khí quyển, nhờ vậy sẽ thu được những hình ảnh lớn hơn 16 lần so với kính viễn vọng không gian Hubble.