Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây một cây cầu treo dài hơn 30 km vượt qua eo biển Sunda, nối hai đảo chính của nước này là Java và Sumatra.
Cây cầu kỷ lục sẽ cao 70 mét so với mặt nước biển, có 6 làn đường bộ và hai tuyến đường ray. Công trình gồm một loạt cầu treo kết nối với nhau, chạy qua 3 hòn đảo nhỏ trên eo biển Sunda. Nhịp dài nhất là 3 km, hơn gần một km so với cây cầu dài nhất thế giới hiện nay là Akashi-Kaikyo, khánh thành năm 1998 tại Nhật Bản.
Theo dự án, cây cầu trên có chi phí xây dựng khoảng 12 tỷ USD và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2012, hoàn thành năm 2025. Ý tưởng về cây cầu treo khổng lồ Java-Sumatra được đề xuất từ lâu nhưng không thể hiện thực hoá do cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997.
Bản ghi nhớ về dự án xây dựng cầu được ký hôm thứ tư vừa qua, giữa hai thống đốc tỉnh Banten ở phía tây Java và tỉnh Lampung ở phía nam đảo Sumatra, cùng đại diện của tập đoàn xây dựng Artha Graha sẽ đảm nhiệm việc thi công.
Vị trí cây cầu Java-Sumatra trong tương lai và ngọn núi lửa Karakatoa. (Ảnh. SMH)
Giới chức địa phương hy vọng cây cầu sẽ giải tỏa sự quá tải trên eo biển Sunda và cắt ngắn quãng đường đi giữa hai hòn đảo quan trọng của đất nước, vốn phải mất vài giờ đi phà. Trong năm 2006 có tổng cộng hơn 20 triệu lượt người đã vượt eo Sunda và con số này dự tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Các chuyên gia nhận định, xây dựng một cây cầu treo dài 30 km ở khu vực thường xuyên hứng chịu động đất và có gió mạnh sẽ là một thách thức lớn và nếu hoàn thành thì đây là thành tựu của ngành cầu đường thế giới. Vị trí dự kiến xây cầu chỉ cách ngọn núi lửa nổi tiếng hung dữ Karakatoa khoảng 50 km.
Mới tháng trước, đảo Sumatra từng bị một loạt trận động đất làm hơn 20 người thiệt mạng. Nghiêm trọng nhất là cơn địa chấn đất mạnh 9 độ Richter ngày 26/12/2004 ngoài khơi đảo Sumatra, gây ra sóng thần làm chết hơn 275.000 người ở hàng chục quốc gia quanh Ấn Độ Dương, trong đó chịu thiệt hại nặng nhất là tỉnh Aceh trên đảo Sumatra.
Cây cầu Akashi Kaikyo tại Nhật Bản đang giữ kỷ lục về độ dài trên thế giới. (Ảnh: Wikimedia).
Đình Chính